Theo PGS-TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng Khoa Khúc xạ BV Mắt Hà Nội 2, các bệnh lý này nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời đều gây nên tình trạng nhược thị, khiến thị lực của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (là tình trạng giảm thị lực của một hoặc 2 mắt do mắt không nhìn được khi đang ở lứa tuổi nhỏ). PGS Đức Anh cho biết bệnh nhân mắt lác, dù cả hai mắt mở nhưng chỉ một mắt nhìn được, một mắt lâu không nhìn sẽ kém đi; còn tình trạng sụp mi khiến mi mắt che lấp đồng tử, ánh sáng ảnh hưởng đến thị lực. Trong khi đó, đục thủy tinh thể bẩm sinh làm ngăn cản ánh sáng, làm mắt bị nhược thị. Đáng nói là khi trẻ lớn lên, các can thiệp có thể giúp đôi mắt nhìn vẻ ngoài trở lại bình thường nhưng chức năng thị lực không cải thiện.
"Với mắt lác, bố mẹ quan sát thấy mắt con nhìn không thẳng, nhìn lệch trong hoặc ngoài. Còn với sụp mi, bố mẹ sẽ nhìn thấy một bên mắt trẻ bị sa xuống thấp hơn bên kia hoặc cả 2 mắt sa xuống, hoàn toàn có thể phát hiện sớm. Trẻ bị đục thủy tinh bẩm sinh sẽ có hiện tượng nhìn kém, không nhìn rõ đồ vật bình thường, đồng tử vốn màu đen lại có màu trắng" - PGS Đức Anh lưu ý.
Đợt phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhi bị bệnh lý về mắt ở Tuyên Quang là một phần trong chương trình "Vì ánh mắt trẻ thơ" 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác mắt. Đặc biệt, hiện tượng lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ khám chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% kèm theo các tật khúc xạ.
Bình luận (0)