Qua quan sát, kích thước côn trùng bằng đầu ngón tay cái, có 6 chân, phần bụng to, dẹt, lưng màu đen có nhiều vạch ngang màu vàng. Bước đầu xác định đây là loài rệp môi (Kissing bugs, còn được gọi là bọ xít hút máu người), có tên khoa học là Triatomine. Nếu bị rệp môi đốt, sẽ gây đau, ngứa, sưng phù.
Chị Hoàng Thị Lương (ngụ 36/60 Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp), phản ánh: “Nhà tôi có 7 người thì hết 6 người bị bọ xít đốt, sưng to, gây đau nhức, phải gần một tháng vết chích mới khỏi”.
Rệp môi trưởng thành dài từ 1,5 cm đến 2,5 cm, có thể sống được 3 tháng đến 2 năm tùy theo nhiệt độ. Rệp môi thường bị hấp dẫn bởi ánh sáng, sống trong nhà (nhất là những kẽ nứt của vách đất). Rệp môi kiếm ăn vào ban đêm, thường đậu lên môi hoặc những vùng da xung quanh mắt của người và động vật để hút máu. Vết chích không gây đau nên nạn nhân thường không hay biết.
Ông Phạm Tuấn Anh - đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho hay sau khi được thu giữ, mẫu vật côn trùng sẽ được gởi lên Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố để tiến hành định dạng và có các biện pháp khắc phục, hỗ trợ người dân. Đồng thời, ông cũng chia sẻ bọ xít này sau khi chết sẽ để lại một lượng lớn trứng. Số trứng này sẽ sản sinh ra bọ xít con. Do đó, ông khuyến nghị người dân khi phát hiện bọ xít không nên giết chết để tránh sinh sôi, chỉ nên thu giữ, giao nộp cho các đơn vị y tế gần nhất để có cách xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bọ xít, các hộ gia đình nên dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để ẩm thấp, hoặc phun xịt thuốc bảo vệ.
Cách đây hơn 1 năm, tại Gò Vấp, loài bọ xít này đã từng xuất hiện và cắn người vào ban đêm.
Bình luận (0)