Thay khớp háng nhân tạo là phẫu thuật cắt bỏ cổ - chỏm xương đùi, sụn và một phần xương dưới sụn của ổ cối để thay vào đó bằng khớp nhân tạo nhằm phục hồi chức năng sinh lý vốn có của khớp háng.
Ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đã thực sự phát triển ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước Âu - Mỹ. Tại Việt Nam, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đã thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày nay các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TPHCM... đã thực hiện mổ thay khớp háng nhân tạo cho hàng nghìn bệnh nhân. Kết quả sau phẫu thuật được người bệnh và thầy thuốc đánh giá rất cao về các mặt như giảm đau đớn, phục hồi chức năng vận động của khớp háng, phục hồi khả năng sinh hoạt và vận động..., từ đó làm giảm tỉ lệ tàn phế trong cộng đồng.
Cấu tạo chung của một ổ khớp háng nhân tạo
Hiện nay có nhiều thế hệ khớp háng nhân tạo ra đời với những cải tiến về chất liệu cũng như hình dáng, kích thước sao cho phù hợp, tạo được kết quả tốt nhất khi mổ lắp cho người bệnh. Nhìn chung, một ổ khớp háng nhân tạo thường có hai phần chính:
- Chuôi chỏm: Được chế tạo từ một hợp kim của sắt với các thành phần của kim loại khác là titan, coban, crom, nhôm...
- Ổ cối: Được tạo ra từ một loại nhựa tổng hợp đặc biệt có trọng lượng phân tử siêu cao đơn thuần hoặc phối hợp với các sợi cacbon.
Chỉ những người sau đây mới dùng được khớp háng nhân tạo
- Mắc bệnh lý vùng khớp háng: Thoái hóa khớp háng giai đoạn cuối mà các phương pháp điều trị khác đều không kết quả; hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi giai đoạn 4 đã có biến dạng hẹp khe khớp và bán sai khớp; lao khớp háng giai đoạn ổn định mà cấu trúc khớp đã bị phá hủy; dính khớp háng ở tư thế xấu trên bệnh nhân mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, u xương cùng cổ chỏm xương đùi, đòi hỏi phải cắt bỏ u.
- Bị chấn thương vùng cổ - chỏm xương đùi: Gãy vỡ nát vụn vùng cổ - chỏm xương đùi không thể điều trị bảo tồn được, hoại tử tiêu cổ - chỏm xương đùi sau chấn thương gãy xương.
- Có những biến chứng sau mổ thay khớp háng nhân tạo trước đó như sai khớp háng tái diễn, mòn hỏng một vài thành phần của khớp nhân tạo...
Các trường hợp cần phải cân nhắc, đánh giá kỹ trước khi thực hiện mổ thay khớp háng nhân tạo
- Người bệnh bị mắc các bệnh mạn tính như suy tim, suy gan, suy thận hoặc thể trạng chung không đủ điều kiện cho phép gây mê, gây tê, phẫu thuật hoặc không còn khả năng đi lại chủ động có ý thức.
- Có ổ nhiễm trùng cấp tính trong cơ thể như viêm phổi, lao giai đoạn lan tràn phá hủy...
- Khớp háng đang bị nhiễm trùng cấp tính hoặc da vùng mổ bị viêm loét.
Các vận động mà người thay khớp háng nhân tạo không được làm
- Chạy nhảy với cường độ cao trong sinh hoạt, lao động và thể thao.
- Không gánh vác hoặc xách vật nặng đột ngột hoặc liên tục.
- Không ngồi xổm, không đứng lên - ngồi xuống một cách đột ngột, mạnh.
- Không đi xe đạp, xe thồ.
- Không được say rượu bia, đi lại lung tung.
Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo
Theo lý thuyết, tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là khoảng 20 năm. Tuy vậy, độ bền thực tế của khớp háng nhân tạo khi được phẫu thuật đặt vào trong người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự hiểu biết và vận hành theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật của người bệnh. Nói chung, một người dưới 50 tuổi khi có chỉ định và nguyện vọng thay khớp háng thì phải xác định là mình sẽ phải mổ thay thế khớp háng 2 - 3 lần vì khớp nhân tạo có thể sẽ bị mòn, gãy, lỏng...
Một số biến chứng hay gặp
Mặc dù kỹ thuật mổ thay khớp háng nhân tạo được các thầy thuốc chuyên khoa không ngừng hoàn thiện, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra các biến chứng:
- Nhiễm trùng ổ mổ (tỉ lệ 0,5% - 3%).
- Sai khớp sau mổ do đặt sai kỹ thuật hoặc do người bệnh vận động sai tư thế, quá tầm, quá mức.
- Lỏng một vài thành phần của khớp nhân tạo: lỏng chuôi, lỏng ổ cối hoặc kết hợp cả hai.
- Gãy thân xương đùi vùng tiếp giáp giữa chuôi và vùng không có chuôi trong ống tủy.
- Cốt hóa quanh ổ khớp nhân tạo.
Chi phí cho phẫu thuật
Người bệnh phải chi phí khoảng 25 triệu - 30 triệu đồng để thay thế một khớp háng nhân tạo, không kể tiền ăn uống, đi lại. Điều cần lưu ý là tuyệt đại đa số người bệnh phải tự trang trải chi phí cho loại phẫu thuật này, vì thế thầy thuốc cũng như bệnh nhân phải cân nhắc lợi ích và khó khăn trước khi thực hiện phẫu thuật.
Bình luận (0)