Chiều 23-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện đối với vắc-xin Sputnik V do Công ty JSC Generium (Liên bang Nga) sản xuất cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.
Hơn 50 quốc gia phê duyệt
Đây là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 2 được Bộ Y tế phê duyệt lưu hành tại Việt Nam. Vắc-xin Sputnik V được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm.
Trung tâm Nghiên cứu - Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vắc-xin này. Cục Quản lý dược sẽ cấp phép nhập khẩu vắc-xin theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu cũng như thực hiện đúng quy định về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc-xin nhập khẩu.
Bộ Y tế giao Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin này. Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế kiểm định trước khi đưa ra sử dụng.
Sputnik V là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ ngày 11-8-2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm Sputnik V quy mô toàn quốc khi vắc-xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đến nay, vắc-xin Sputnik V đã được hơn 50 quốc gia phê duyệt sử dụng.
Trước đó, cuối tháng 1-2021, vắc-xin Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) đã được Bộ Y tế cấp phép và hiện Việt Nam đang tiêm chủng diện rộng. Ngày 23-3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết đến nay, Việt Nam đã tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho 36.082 người. Riêng trong ngày 22-3, đã có 2.060 người được tiêm. Đối tượng được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng vắc-xin Covid -19Ảnh: Hoàng Triều
Khẩn trương tìm thêm nguồn
Liên quan việc nhập khẩu vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu - AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac... - bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế cho biết đến nay, không có vắc-xin Covid-19 nào có hiệu lực bảo vệ 100% đối tượng được tiêm. Đặc biệt, vắc-xin Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn, hiệu lực bảo vệ đạt 60%-90% và Tổ chức Y tế thế giới còn đang tiếp tục đánh giá. Vì vậy, một số người đã được tiêm chủng vắc-xin vẫn có thể mắc bệnh và tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, mặc dù nguy cơ này thấp.
Riêng việc cấp "hộ chiếu vắc-xin" vẫn còn là một vấn đề đang được thảo luận trên thế giới do đòi hỏi các nước phải đạt tỉ lệ tiêm chủng cao để có được miễn dịch cộng đồng và chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vắc-xin đối với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" trong tương lai và chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, bảo đảm tính xác thực thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã làm việc với cơ quan Đầu mối Y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng "hộ chiếu vắc-xin Covid-19" phù hợp khi đủ điều kiện.
Trong khi đó, chiều 23-3, nước ta ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 2.576, trong đó 1.601 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 908. Hiện số bệnh nhân được điều trị khỏi là 2.246 ca; số ca tử vong là 35 ca.
Mục tiêu tiếp cận công bằng
Về chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lớn nhất tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết sẽ chỉ đạo việc phân bổ vắc-xin cho các địa phương để hướng tới mục tiêu tỉ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin để người dân có cơ hội được tiêm chủng phòng bệnh sớm nhất. Dự kiến cuối tháng 3, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,37 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca trong số 30 triệu liều vắc-xin của chương trình hỗ trợ COVAX Facility.
Bình luận (0)