Hiện nay, áp lực học tập đối với trẻ em ngày càng lớn. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, nhiều loại bệnh xuất hiện ở học đường đã làm giảm khả năng học tập của trẻ.
Căng thẳng, thiếu ngủ
Chưa bao giờ học sinh lại “bị” học nhiều như ngày nay. Các em chỉ có “học” và không có “chơi” nên rất dễ bị stress. Ở lớp 1, do các em chuyển từ chế độ mầm non (chơi là chính) sang cấp 1 (học là chính) nên dễ bị căng thẳng nếu không theo kịp bạn bè.
Những em không được đến trường mầm non trước đó lại càng dễ bị stress hơn do chưa quen với nếp sinh hoạt tập thể theo đúng giờ giấc quy định. Còn học sinh cấp 2 và 3 thì căng thẳng chủ yếu do chương trình học nặng nề ở vào thời điểm các em đang có sự thay đổi tâm sinh lý. Khi các em có dấu hiệu học sa sút, nếu nhà trường và gia đình không khéo léo động viên thì các em dễ chán nản, tự ti, mặc cảm, có thể tự ái dẫn đến bỏ học.
Áp lực học tập nặng nề, lịch học dày đặc còn làm cho trẻ thiếu thời gian ngủ. Khi không ngủ được nghĩa là não luôn trong trạng thái bị kích thích liên tục làm tăng tiêu hao năng lượng và tiêu hao các chất dinh dưỡng, dễ dẫn đến suy nhược hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể. Với trạng thái như vậy, học tập sẽ không hiệu quả. Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý sẽ giúp các em học tập tốt. Giấc ngủ giúp não thư giãn để có thể bắt đầu học tập trở lại tốt hơn.
Áp lực học tập ngày càng nặng làm gia tăng bệnh học đường. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trưng Vương trong giờ thi. Ảnh: H.Lân
Học sinh cấp 2 và 3 phải học căng thẳng hơn, cả nhà trường và gia đình đều quan tâm chủ yếu là kết quả học tập hơn là chế độ ăn uống và sinh hoạt của các em. Nhiều em ngoài giờ học chính quy ở trường lại phải đi học thêm buổi tối nên hầu như chẳng còn thời gian để ăn uống và nghỉ ngơi.
Điều này ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của các em. Mặt khác, ở lứa tuổi này, các em đã có thể tự lo được bữa ăn cho mình nhưng do chưa hiểu được nhu cầu dinh dưỡng đang tăng cao ở tuổi dậy thì nên có thể sẽ có những suy nghĩ và thói quen ăn uống lệch lạc, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.
Mắc bệnh do trường học thiếu không gian
Học sinh cấp 1 thường có tình trạng thừa cân do ở lứa tuổi này có thể do các em bị ép ăn quá mức hoặc được nuông chiều khi đòi những thức ăn ưa thích. Tình trạng thừa cân cũng có thể do các em ít có cơ hội hoạt động thể lực mà thường là các hoạt động tĩnh như xem tivi, chơi game ở nhà.
Ở trường cũng ít có sân chơi để các em chạy nhảy. Cũng do trường lớp chật hẹp, học sinh đông nên thiếu sân chơi, nhà ở thành phố cũng chật hẹp, đường phố lại không an toàn để đi bộ hoặc đạp xe nên các em hầu như không có điều kiện để vận động.
Hiện nay, do áp lực của chương trình học, bàn ghế ngồi không thoải mái, bảng lóa, ánh sáng không đủ, tầm nhìn bị hạn chế (nhất là với học sinh sống ở trung tâm thành phố) nên tỉ lệ bệnh vẹo cột sống và cận thị tăng cao. Tình trạng cong vẹo cột sống đang ở mức báo động đỏ và đang tăng dần theo cấp học.
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh cột sống là do bàn ghế không đúng chuẩn, làm cho học sinh mau mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc tập trung tư tưởng và khi ngồi lâu sẽ dẫn đến cận thị, cong vẹo cột sống, gù lưng...
Tỉ lệ bệnh cận thị và những bệnh về mắt cũng tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt là ở thành thị và các trường chuyên. Bên cạnh những nguyên nhân như bàn ghế học tập chưa phù hợp, các em ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với tivi, vi tính, nguyên nhân quan trọng trực tiếp ảnh hưởng đến đôi mắt của các em là do cách bố trí nguồn sáng không phù hợp.
Đề phòng cận thị ở trẻ em Khi thấy các em có dấu hiệu sa sút trong học tập, hay dụi mắt thì nên sớm đưa đi khám mắt. Không nên xem sách, báo hoặc viết chữ dưới trời nắng, dưới ánh sáng quá mạnh hoặc quá tối. Không đọc sách, viết chữ liền trong thời gian dài. Sau một giờ đọc hoặc viết thì nên nghỉ một lát, nhìn ra xa cho mắt nghỉ ngơi. Cũng không nên xem tivi, sử dụng vi tính suốt 2-3 giờ liền. Khi đọc sách và viết chữ không nên để đôi mắt quá gần. Khoảng cách cần là 30-50 cm. Chú ý bàn ghế vừa tầm. Tư thế ngồi học ngay ngắn. Không nên để đầu nghiêng ngả khi viết. Tránh đọc sách với tư thế nằm, vừa ăn vừa đọc, xem tivi. Cần hình thành thói quen thường xuyên làm động tác nhắm mắt sau những lúc học tập, đọc sách. Dinh dưỡng bổ mắt: Nên ăn nhiều loại rau lá xanh, củ quả vàng đậm, trái cây tươi, hai bữa cá mỗi tuần, các loại hạt (hướng dương, bí đỏ, mè...) để nhận đủ vitamin A, vitamin C, vitamin E, a xít béo thiết yếu omega-3. |
Bình luận (0)