Theo thông tin ngày 9-7 trên website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 qua các thủ thuật y tế tạo ra aerosol (những giọt siêu nhỏ dạng sương mù) chính là khí dung trong điều trị một số bệnh hô hấp. Ngoài ra, lúc nói chuyện hoặc khi ho, một số giọt bắn hô hấp có thể được phát tán dưới dạng aerosol siêu nhỏ, lơ lửng trong không khí một thời gian, tạo ra nguy cơ lây nhiễm trong môi trường ở trong nhà (thông khí kém).
Khó lây trong không khí
"Nguy cơ lây truyền qua khí dung trong bệnh viện (BV) và các giọt bắn nhỏ tồn tại trong không khí một thời gian không chỉ xuất hiện ở virus SARS-CoV-2, hay các virus corona khác mà còn phổ biến trong nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Virus không thể tự phát tán trong không khí mà phải bám vào các giọt dịch tiết đường hô hấp, nên gọi là "lây truyền qua đường hô hấp" - bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, phân tích.
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cho biết thêm: Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra những giọt bắn có kích thước dưới 3 micro mét có thể tồn tại lơ lửng đến hơn 3-4 giờ trong môi trường lạnh, khô. Vì vậy, cần tận dụng đồng thời việc mở cửa, thông gió, và môi trường nóng ẩm tự nhiên để phòng bệnh.
Đeo khẩu trang đạt chuẩn, đúng cách khi ra ngoài sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả mọi mầm bệnh, trong đó có Covid-19 (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
BS Nguyễn Minh Tiến gợi ý thêm cách phòng bệnh theo tên của virus: C-O-R-O-N-A. C là "che" và "chà", tức phải che khi ho bằng khăn giấy hay khuỷu tay, che mũi, miệng bằng khẩu trang khi ra đường, chà rửa các bề mặt dễ bị chạm trong nhà như mặt bàn, lan can, tay nắm cửa… O giống số 0, là "không khạc nhổ". R là "rửa tay". Chữ O thứ 2 là "không tiếp xúc với động vật". N là "né" các đám đông, né người khác ở chỗ đông người. A là "ăn uống" và "ấm", ăn uống đủ chất giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt; môi trường ấm, thông thoáng, có ánh nắng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
Khẳng định công dụng của chiếc khẩu trang
BS Trương Hữu Khanh cho biết tất cả các chủng của virus SARS-CoV-2 đều có cơ chế lây lan như nhau dù tốc độ lây có thể khác, song phương pháp phòng bệnh không thay đổi, trong đó 3 thứ hàng đầu là khẩu trang, rửa tay và bảo vệ người lớn tuổi, có bệnh nền.
PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - tư vấn thêm, chủng virus SARS-CoV-2 ngoài lây truyền từ động vật sang người, còn lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền qua đường không khí qua khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế và những nơi đông người và ở không gian kín.
Cho tới nay, lây truyền theo đường phân - miệng chưa có bằng chứng rõ ràng. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và rửa tay với xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định chiếc khẩu trang y tế có công dụng phòng bệnh truyền nhiễm, chỉ cần bảo đảm các nguyên tắc: thứ nhất là khẩu trang đạt chuẩn, thứ 2 là đeo khẩu trang đúng cách. Như vậy, dù virus SARS-CoV-2 có tồn tại ở dạng giọt bắn hay kể cả lơ lửng trong không khí thì việc đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa mầm bệnh.
Theo ông Phu, việc sử dụng khẩu trang để ngừa dịch không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mà người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang bằng vải thông thường và giặt sạch mỗi ngày.
"Việt Nam đã làm rất tốt việc đeo khẩu trang nên trong giai đoạn trước đó đã khống chế được tình hình dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều quốc gia trước đây không coi khẩu trang là biện pháp phòng bệnh thì bây giờ họ lại thực hiện rất nghiêm túc như Mỹ, châu Âu" - ông Phu thông tin.
F1 âm tính lần 1, nếu F2 dương là từ nguồn khác
Vừa qua, có thông tin bệnh nhân (BN) 669 sau khi bị cách ly vì là F1 của BN 510, đã âm tính trong nhiều ngày (2 lần xét nghiệm), rồi lại dương tính trong lần xét nghiệm thứ 3, khiến dư luận lo lắng vì trước khi cách ly, BN 669 đã tiếp xúc nhiều người. Theo BS Trương Hữu Khanh, một BN Covid-19 chỉ phát tán virus khi bắt đầu có kết quả xét nghiệm dương tính. Khi đi vào cơ thể, virus cần thời gian để nhân lên mới gây bệnh và phát tán được. Khi F1 được cách ly, lần xét nghiệm đầu tiên mang tính sàng lọc: nếu họ âm tính, tức các F2 có thể trở về trạng thái bình thường, sau này người từng là F1 đó có chuyển dương hay không thì cũng không liên quan nữa. Nếu các "F2" cũ sau này mắc Covid-19 thì lây từ nguồn khác, phải nhanh chóng truy tìm nguồn lây mới chứ không thể cho rằng lây từ nguồn cũ.
Bình luận (0)