Theo Thạc sĩ, bác sĩ Diệp Quế Trinh, Khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé Trần Tiến Phước (5 tuổi, ngụ tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) được chuyển đến BV ngày 8/3 sau 2 lần chuyển viện. Bé nhập viện trong tình trạng phỏng điện nặng, với ngón thứ 4 và 5 ở cả hai bàn tay bị hoại tử, các ngón còn lại phỏng sâu, nửa mặt phải bị cháy cấp độ 3 và ảnh hưởng đến cả mắt phải.
Bà ngoại bé (56 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) cho biết, trong lúc bà vắng nhà, ông ngoại thấy bé nằm sấp gần ổ điện, nghĩ là bé ngủ, nhưng khi nhấc bé lên, ông phát hiện bé bị điện giật bất tỉnh kèm theo các vết phỏng nặng. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau hai lần chuyển viện.
Bác sĩ Trinh cho biết, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1-2 ca bị phỏng điện. Nguyên nhân chủ yếu do ổ điện nằm trong tầm với của trẻ nhỏ. Vì vậy, phụ huynh cần cảnh giác, tránh cho trẻ chơi ở khu vực gần ổ điện, kiểm tra độ an toàn của dây điện, đặc biệt nên chú ý các bước sơ cứu đúng cách cho trẻ bị điện giật. Trước tiên, phải ngắt nguồn điện, kiểm tra sinh hiệu của cháu bé, tiến hành ấn tim, thổi ngạt nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở. Các vết bỏng do điện cũng cần được sơ cứu bằng nước sạch, băng sạch như các vết bỏng thông thường trước khi di chuyển nạn nhân.
9 giờ sáng ngày 16-3, bé được phẫu thuật để tháo các khớp ngón tay. Bác sĩ Trinh cho hay, ca phẫu thuật không phức tạp, tuy nhiên, do vết phỏng khá nặng nên sẽ để lại di chứng sẹo co rút ở môi.
Các bác sĩ cũng cho biết, tuy lần khám chữa bệnh này, bé được hưởng BHYT 100% trong đa số các hạng mục điều trị và bệnh viện cũng đã có sự hỗ trợ đối với các phí tổn còn lại, nhưng thời gian tới, bé cũng phải đối diện với nhiều khó khăn do các di chứng để lại. Bé Phước hiện cũng đang là trẻ mồ côi do cha mẹ ly hôn khi mới vài tháng tuổi, bỏ cháu lại cho ông bà. Ông bà cháu rất nghèo và người bà hiện đang là lao động duy nhất trong gia đình, nuôi người ông bị bệnh tim nặng và bé Phước. Do đó, phía bệnh viện cũng vận động cộng đồng hỗ trợ thêm cho gia đình bé Phước.
Bình luận (0)