Những hộp thuốc mà bệnh nhân “tố” Phòng khám Đa khoa Maria bán với giá “cắt cổ”
Tử vong vì lạm dụng thuốc
Theo tường trình của đại diện Phòng khám Đa khoa Maria, sau khi làm thủ tục ban đầu (lúc 19 giờ 30 phút ngày 14-7), bệnh nhân Nguyễn Thu Phong được làm thủ thuật điều trị viêm cổ tử cung lộ tuyến bằng kỹ thuật Laser leep. Tiếp đó, bệnh nhân đã được chỉ định truyền gluco, tiêm Dexamethazone, truyền Levofloxaxin, Negatidozol. Khi chị Phong có biểu hiện dị ứng (mệt và phát ban ở tay), phòng khám đã thay truyền kháng sinh bằng đường gluco 5% 100 ml.
Tiếp đó, trong quá trình cấp cứu, y tá vẫn tiếp tục tiêm thêm 2 ống Dexamethason 4 mg/1ml. Khi không có tiến triển tích cực, ngoài việc duy trì bóp bóng oxygen, nhân viên y tế tiêm 2 ống Adrenalin cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chị Phong đã tử vong vào lúc 21 giờ 35 phút cùng ngày.
Nếu tính từ thời điểm nhập viện điều trị đến khi tử vong trong vòng 2 giờ, bệnh nhân Phong đã được sử dụng rất nhiều thuốc kháng sinh, truyền dịch và sử dụng một số kỹ thuật để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Phân tích liệu trình dài dằng dặc những dịch vụ mà bệnh nhân Phong được bác sĩ người Trung Quốc chỉ định trước khi tử vong, một số bác sĩ sản khoa cho rằng có những loại thuốc và kỹ thuật không cần thiết.
GS-TS Nguyễn Đức Vy, Chủ tịch Hội Sản khoa Việt Nam, cho rằng điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng dao Leep, truyền dịch, kháng sinh, gây mê là chưa đúng. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp do bệnh nhân bị nhiễm trùng quá nặng. Việc sử dụng kháng sinh như Levofloxaxin phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhất là kháng sinh được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dịch, vốn có nhiều nguy cơ hơn so với dùng thuốc vì dễ dẫn đến sốc, gây chết người.
“Kịch bản” dã tâm
Vụ việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa Maria chỉ là “giọt nước tràn ly” khi một loạt sai phạm ở đây bị phanh phui, trong đó phải kể đến hàng trăm người bệnh bị “vét túi” đến cạn kiệt.
Bà L.K.B (45 tuổi, ở quận Ba Đình - Hà Nội) cho biết sau khi xem một quảng cáo có nội dung và hình ảnh vô cùng “thân thiện” về phòng khám Maria, bà đã tới khám. Với chẩn đoán viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, trong ngày đầu tiên, bà B. được truyền dịch qua đường tĩnh mạch, sử dụng 2 kháng sinh Sulbactam và Cefoperazone, kết hợp điều trị bằng bước sóng ngắn, thẩm thấu thuốc đông y qua da, chi phí hơn 5,7 triệu đồng. Đến ngày điều trị thứ 2, liệu trình được thực hiện tương tự với chi phí như ngày đầu. Sang ngày thứ 3, các hạng mục điều trị không có sự thay đổi mấy nhưng bệnh của bà B. được bác sĩ thông báo xuất hiện nhiều hơn. Đến ngày thứ 4, hóa đơn thanh toán của bà B. “đội” thêm gần 10 triệu đồng, trong đó có những dịch vụ lạ, giá rất cao.
“Sau 4 ngày điều trị, số tiền tôi phải trả cho các dịch vụ và 5 hộp thuốc gần 40 triệu đồng nhưng bệnh vẫn không khỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ và lên mạng tìm đọc mới ngã ngửa vì mình bị lừa. Không những thế, những hộp thuốc mà phòng khám này bán cho tôi không chỉ chưa được cấp phép mà có hộp khi bóc ra thuốc đã mốc trắng”- bà B. bức xúc.
Không bệnh thành có bệnh Theo phản ánh, nhiều bệnh nhân đã bị Phòng khám Maria “bắt” thêm bệnh mà họ không hề hay biết. Bác sĩ Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xác nhận có khá nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương sau khi đã điều trị ở Phòng khám Đa khoa Maria. Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm thì bệnh viện phát hiện họ không mắc những bệnh như chẩn đoán của phòng khám này. |
Bình luận (0)