"Hỏi bác sĩ nhi đồng" - tấp nập mẹ bỉm sữa
Một trong các fanpage được đông đảo "bà mẹ bỉm sữa" tìm đến nhất có thể kể đến trang "Hỏi bác sĩ nhi đồng", hiện đã có hơn 250.000 lượt thích và 256.612 lượt theo dõi trên Facebook. Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh - Trưởng Phòng Công tác xã hội, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) - sáng lập và điều hành trang web này.
Từ lâu, mọi người đã đùa rằng anh là một BS "chê tiền". Với danh tiếng của mình, việc mở một phòng mạch tư đông đúc ngoài giờ có vẻ không khó. Nhưng dạo trước, anh lại chọn phương án mở một phòng mạch "đồng giá"… 15.000 đồng ở tận Hóc Môn cho bà con nghèo. Rồi khi nơi đó quá đông, xa nơi làm việc ở quận 10, sức người có hạn, anh chuyển sang mở fanpage tư vấn. Gần đây, người ta thấy BS Khanh hay kè kè một chiếc máy tính bảng bên cạnh điện thoại "cùi bắp" quen thuộc. "Hồi mới lập trang thì mỗi ngày khoảng 300-400 câu hỏi, nay có nhiều bài ghim rồi, nhiều người đọc thấy cái mình cần nên không hỏi thêm thì mỗi ngày còn khoảng 200 câu…" - BS Khanh nói.
Chị Lê Thị Thanh Xuân bên những món đồ tự làm để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhiẢnh: anh thư
Vậy là suốt gần 5 năm nay, phần lớn thời gian rảnh rỗi, trong giờ giải lao, ngày ra trực, trên đường đi làm bằng xe buýt, vị BS này cắm cúi trả lời từng bình luận của cha mẹ bệnh nhi. Không phải khám bệnh trực tiếp nhưng anh cung cấp những kiến thức cơ bản để theo dõi, chăm sóc bé tốt hơn, sàng lọc ban đầu để cha mẹ biết khi nào cần đưa con đi khám. Vấn đề nào quá nhiều người hỏi, anh lại viết thành bài ngắn, ghim lên đầu trang, để ai cùng thắc mắc thì cứ vào đó mà tra cứu.
Học chơi, học nói cùng con
Nhóm "Âm ngữ trị liệu Sài Gòn - Lê Thị Thanh Xuân" với số thành viên hơn 4.100 người là địa chỉ cho các bậc phụ huynh có con không may gặp rắc rối trong quá trình phát triển, đặc biệt là khả năng ngôn ngữ và giao tiếp hay trẻ tự kỷ. Vào nhóm, bạn sẽ bắt gặp vô số hình ảnh và clip dạy cách làm cho bé những món đồ chơi thú vị bằng cách tái chế những thứ bỏ đi, hay cắt dán thủ công, hay cách chơi cùng những em bé đặc biệt.
Quản trị viên của nhóm là cử nhân - chuyên viên âm ngữ trị liệu Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng Đơn vị Âm ngữ trị liệu và Trung tâm Can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Chị thuộc lứa 33 chuyên viên âm ngữ trị liệu được đào tạo chính thức đầu tiên tại Việt Nam vài năm trước của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
"Nhiều phụ huynh rất thiếu thông tin hoặc bối rối, không biết chọn lọc trước vô số thông tin tràn ngập trên mạng. Vì vậy, khi tôi lướt qua các trang web nước ngoài, thấy các thông tin hay, tôi tìm về và post lên. Tôi chọn những hình ảnh, clip nào mà chỉ cần nhìn họ cũng có thể biết cách làm, không cần phải hiểu ngôn ngữ của người làm clip" - chị Thanh Xuân nói.
Giữa bộn bề công việc căng thẳng của một nhân viên y tế, của một người mẹ có 2 con còn bé dại, chị vẫn duy trì nhóm vài năm nay và mời thêm nhiều bậc cha mẹ có con tự kỷ, rối loạn âm - lời nói và cả các giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục đặc biệt… tham gia. Chị cắt bớt thời gian lẽ ra dành cho việc shopping, cà phê cà pháo, "tám" với bạn bè… để làm. Nhiều khi chị ngồi cắt dán đồ chơi cho các bé, các con cũng phụ một tay, rồi giành lấy công việc đi ép plastic những thứ tranh, ảnh để dạy cho các bé. Với chuyên viên này, những lúc ngồi post clip, trao đổi với phụ huynh về những tiến bộ của con họ trên mạng… thực sự làm chị hạnh phúc.
"Kho" hướng dẫn sơ cứu trẻ em
Fanpage "Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi Đồng" là một thư viện nho nhỏ với đủ loại clip, hình ảnh, bài viết về cách sơ cứu khi trẻ gặp nạn trong nhiều tình huống, từ sặc sữa đến đáng sợ nhất là ngưng tim, ngưng thở. Người hướng dẫn là BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), một BS chuyên về hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trái) và bác sĩ Phạm Minh Triết trong một buổi lễ của Bệnh viện Nhi Đồng 1. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Ai quen biết BS Tiến lâu, sẽ thấy những clip, những bài viết quen quen. Đâu đó thấp thoáng bóng của "mấy đứa nhỏ" từng được đưa đến khoa hồi sức trong tình trạng nguy kịch nhất, có cháu được cứu, có cháu xuôi tay. Có những tình huống cứ lặp đi lặp lại hoài mà đáng lẽ ngăn ngừa được. Vậy là vị BS tự nhận mình chẳng rành về mạng xã hội, máy tính và vẫn dùng điện thoại "cùi bắp" này vui vẻ lập một fanpage, chăm chỉ "lên sóng" với sự hỗ trợ kỹ thuật của các đồng nghiệp trẻ. Đa số các clip được quay bằng điện thoại với "trường quay" chính là BV nơi anh làm việc. Ngoài ra, còn có nhiều status trong đó anh viết một cách cặn kẽ, "bình dân hóa" các kiến thức sơ cấp cứu, để ai cũng có thể hiểu, cũng có thể ghi nhớ và làm theo. Là một fanpage "trẻ", chưa thành lập được bao lâu nhưng anh cho biết mình sẽ tiếp tục duy trì và cố gắng post lên nhiều thứ mà phụ huynh cần nữa.
Tư vấn cho phụ huynh để… đỡ nhớ nghề
Tạm rời Việt Nam đi học tiến sĩ tại Úc, ThS-BS Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý - BV Nhi Đồng 1, cho biết việc duy trì một trang fanpage chuyên về tâm lý nhi khoa giúp anh đỡ nhớ nghề. Ngoài cung cấp kiến thức, trang này còn nhận tư vấn qua tin nhắn cho các phụ huynh có con đang gặp rắc rối.
Nhờ fanpage này, anh từng kết nối với một phụ huynh ở miền Tây, mà con chị là bệnh nhân cũ. Một hoàn cảnh bất lợi khiến đứa bé tái phát sau một thời gian dài ổn định. Người mẹ khủng hoảng, không biết phải làm gì nên lang thang trên internet, tình cờ gặp lại BS Triết. Qua những tin nhắn inbox, anh và các đồng nghiệp ở Việt Nam đã giúp cháu bé trở lại cuộc sống bình thường.
Sắp tới, khi có nhiều thời gian hơn, BS Triết dự định lập thêm trang web để giúp điều trị tâm lý cho nhiều trẻ em Việt Nam hơn vì đây là một xu hướng mới của thế giới. "Với những người làm ngành y, phần thưởng lớn nhất là lời cảm ơn của thân nhân và bệnh nhân khi họ được mình chữa lành. Vì vậy mỗi trường hợp tôi giúp được bệnh nhân qua fanpage đều là một kỷ niệm đáng nhớ" - ThS-BS Phạm Minh Triết chia sẻ.
Bình luận (0)