Chết vì chủ quan
Trước đó không lâu, anh L.V.T (38 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chết do chủ quan với bệnh dại. Là ngư dân thường đi biển cả tháng mới vào bờ một lần, trong một lần tàu cập bến, anh bị con chó táp vào chân và cũng có đi chích ngừa. Sau 2 lần chích, tới lịch hẹn chích mũi thứ ba cũng là lúc phải ra khơi nên anh bỏ chích và cứ nghĩ chắc không sao. Chừng 2 tuần sau, anh T. lên cơn dại với những biểu hiện khó thở, sợ gió... Lúc này, tàu mở hết tốc lực chạy vào bờ đồng thời liên lạc về đất liền chuẩn bị trước xe cấp cứu nhưng khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thì anh đã lên cơn dại quá nặng, hết cách cứu chữa.
Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy những cái chết do chủ quan như trên là khá nhiều. Khi bị chó cắn, nhiều người chủ quan không chích ngừa hoặc chích không đủ số lần quy định.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết trong tháng 4 vừa qua, trung bình mỗi ngày có 20 bệnh nhân mới đến bệnh viện này tiêm phòng dại do bị chó cắn. Thông tin từ Trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật TPHCM cũng cho hay vào thời điểm nắng nóng vừa qua, bệnh dại ở vật nuôi tăng mạnh.
Cũng theo ông Châu, bệnh dại diễn tiến rất nhanh và bệnh nhân rất dễ tử vong vì ngưng tim, ngưng thở do tổn thương trung khu thần kinh. Tỉ lệ tử vong sau khởi phát của bệnh dại gần 100%. Bệnh dại dễ phòng ngừa nhưng khả năng cứu sống ở người phát bệnh lại rất thấp.
Nguy cơ gia tăng
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mỗi năm thế giới có 60.000-70.000 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh này lưu hành hầu hết ở các tỉnh, TP ở Việt Nam. Từ 1990-1995, trung bình mỗi năm, Việt Nam có từ 350-500 ca tử vong. Từ 1996-2007, sau khi Chính phủ triển khai tăng cường phòng chống bệnh dại, số ca tử vong đã giảm, tuy nhiên số ca mắc dại lại có xu hướng gia tăng, với trung bình khoảng 100 người chết mỗi năm, chưa kể 400.000 người phải tiêm phòng do bị súc vật cắn.
Để phòng chống bệnh dại, ngay từ tháng 9-2009, Bộ NN-PTNT đã triển khai các biện pháp cần thiết trên quy mô cả nước. Trong đó có nội dung yêu cầu cơ quan thú y, UBND các cấp, tổ chức đoàn thể, hộ gia đình… thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại bảo đảm an toàn cộng đồng; quản lý giám sát thú nuôi, tiêm vắc-xin phòng dại bắt buộc, bổ sung cho chó, mèo. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện chủ trương này mỗi nơi mỗi kiểu.
Tại TPHCM, nơi có đàn chó nuôi khoảng hàng trăm ngàn con, thế nhưng theo tìm hiểu chúng tôi, việc triển khai thực hiện quy định này vẫn chưa thông suốt, người dân còn lúng túng. Rất nhiều người vẫn chưa chịu đưa chó đi chích ngừa phòng dại và chính quyền nhiều nơi cũng bỏ lơ việc kiểm tra. Về vắc-xin tiêm dịch vụ phòng dại ở người, do chi phí khá cao (khoảng 150.000 đồng/mũi) nên cũng ít người chịu tiêm ngừa.
Không ăn thịt chó bệnh
Theo các chuyên gia y tế, khi bị chó cắn, phải rửa vết thương ngay bằng xà phòng, tạm thời với các loại dung dịch sát khuẩn, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế chích huyết thanh kháng dại và chích vắc-xin ngừa dại. Đối với con chó, không nên đập chết mà phải nhốt lại để theo dõi những biểu hiện bất thường. Cũng không nên làm thịt chó bệnh để ăn vì khi làm thịt, có thể bị lây nhiễm qua các vết trầy xước ở tay do chạm vào răng chó hoặc bị dính nước bọt, dịch trong não tủy của chó văng vào mắt. |
Bình luận (0)