Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM, thời gian gần đây, nhiều trẻ nhập viện điều trị vì tai nạn sinh hoạt. Trong đó, thường gặp trẻ bị tai nạn do hóc dị vật, tai nạn giao thông, điện giật, té ngã, chế tạo pháo...
Bệnh viện Nhi Đồng 2 gần đây tiếp nhận một số trường hợp tai nạn nghiêm trọng ở trẻ. Các bác sĩ tại đây mới phẫu thuật thành công cứu sống bé trai N.M.T (12 tuổi, ngụ Đắk Lắk) bị đa chấn thương do tự chế tạo pháo. Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận cấp cứu bé trai (15 tuổi, ngụ Bình Thuận) tự học chế pháo. Hậu quả, bé mất ngón tay kèm vết thương nặng.
ThS-BS Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoảng 2 tuần trở lại đây, trẻ nhập viện cấp cứu do tai nạn có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 70-80 trường hợp, trong khi trước đó chỉ khoảng 50-60 ca.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) đang phẫu thuật cho bệnh nhi bị tai nạn. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo BS Kiều, vào dịp lễ, Tết, trẻ được nghỉ học thường tụ tập chơi cùng bạn bè, trong đó có nhiều trẻ di chuyển bằng xe đạp điện nên dễ gặp nguy hiểm nếu như xử lý tình huống không tốt. Đáng lưu ý, trẻ không đội mũ bảo hiểm nên dễ gặp nguy hiểm nếu có tai nạn xảy ra. "Tại khoa, chúng tôi thường tiếp nhận nhóm tuổi vị thành niên gặp tai nạn giao thông trong lúc đi chơi ngày nghỉ lễ" - BS Kiều nói.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, các bác sĩ liên chuyên khoa tại bệnh viện gồm mạch máu, chỉnh hình, gây mê hồi sức... đã phẫu thuật thành công cứu bé trai V.T.K (7 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị dập nát cánh tay trái vì thò tay vào máy trộn bê-tông.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cảnh báo phụ huynh nên giáo dục con em mình nhận thức được nguy hiểm rình rập khi đến chơi ở các công trình xây dựng như: ngã vào các hố đào dở dang bị ngập bởi nước mưa, các dụng cụ tường vách, giàn giáo có thể sập đè, các máy cắt thép, gạch, máy trộn bê-tông... gây nguy hiểm đến tính mạng.
BS Nguyễn Tấn Hưng, Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng vừa đưa ra khuyến cáo gần đây bệnh viện tiếp nhận một số trẻ bị phỏng cồn với tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Theo các bác sĩ, phỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ từ 18-36 tháng. Trẻ bị phỏng thường tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, hóa chất... gây tổn thương ở da. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nặng gây ra rối loạn huyết động, nhiễm trùng vết phỏng, giảm nuôi dưỡng vùng cơ thể bị phỏng... Điều trị phỏng đòi hỏi nhiều công sức, tốn kém và có thể để lại di chứng nặng nề về thẩm mỹ và chức năng.
Bình luận (0)