Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thai nhi
Ngoài chất độc hóa học dioxin là một trong những nguyên nhân gây ra dị tật thai bẩm sinh, đã được khẳng định, theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng buồng khám thai –Khoa Khám bệnh BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM, cho đến nay nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh vẫn chưa xác định được rõ ràng, tuy nhiên đã ghi nhận được rất nhiều yếu tố liên quan. Điều đầu tiên phải kể đến là yếu tố tuổi tác. Người mẹ trên 35 tuổi hoặc người bố từ 50 tuổi trở lên sẽ dễ gây dị tật thai nhi. Những bà mẹ mắc các bệnh lý như Thalassemie, tim, tiểu đường, Basedow (cường giáp), bệnh di truyền thiếu máu, thận, cao huyết áp... cũng có nhiều nguy cơ truyền bệnh cho con. Người mẹ bị nhiễm siêu vi trong thời gian mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ dễ gây dị tật cho thai nhi. Các nghiên cứu cho thấy những bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ thai nhi bị dị tật lên đến 90%. Và khi người mẹ mắc bệnh CMV (Cytomegalo virus) sẽ làm 25% trẻ bị dị tật đầu nhỏ, 10% trẻ có thể bị di chứng muộn (thường là điếc)... Trong phân chó, phân mèo, lông mèo có chứa vi khuẩn Toxoplasmosis, nếu thai phụ bị nhiễm vi khuẩn này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm 40% thai nhi bị dị tật, trong đó 15% bị dị tật nặng. Những dị tật thường gặp là điếc, đầu nhỏ và chậm phát triển...
Trong thai kỳ, nếu người mẹ tiếp xúc với những tác nhân có hại như tia xạ, uống một số các loại thuốc có hại cho thai như thuốc chống co giật, thuốc kháng giáp, thuốc trị ung thư, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc trị mụn trứng cá... cũng có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Ngoài ra, còn kể đến nguồn nước dùng bị nhiễm chì, thủy ngân nhiều hoặc người mẹ phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu...
Nên chăm sóc tốt sức khỏe trước khi mang thai
Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, trước khi mang thai 3 tháng, phụ nữ nên uống 1 viên axit folic mỗi ngày. Thời gian uống kéo dài đến khi mang thai được 3 tháng để thai nhi tránh được nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nặng như hở ống thần kinh, vô sọ, não úng thủy nặng, thoát vị não màng não... Với những phụ nữ mắc bệnh lý như đã kể trên thì cần phải điều trị bệnh ổn định trước khi mang thai. Để tránh nhiễm một số siêu vi gây nguy hiểm cho thai nhi, phụ nữ nên chích ngừa Rubella trước khi lập gia đình. Còn khi đã lập gia đình thì cần chích ngừa Rubella tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai. Để tránh nhiễm Toxoplasmosis, phụ nữ mang thai không nên nuôi chó, mèo hoặc tiếp xúc với chó, mèo. Bệnh giang mai ở thể tiềm ẩn khó phát hiện. Do vậy, thai phụ cần đi khám thai để được làm xét nghiệm máu. Nếu thai phụ mắc bệnh giang mai được phát hiện và điều trị trước 20 tuần lễ của thai kỳ sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, thai nhi sẽ bị giang mai bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch, nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, viêm kết mạc mắt)...
Bác sĩ Thu Hà lưu ý, khi đi khám bệnh trong thời gian mang thai, các bà mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết mình đang mang thai để tránh chỉ định có hại cho thai nhi như chụp X-quang và một số loại thuốc... Yếu tố dinh dưỡng trong thời gian mang thai đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con. do vậy người mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh uống rượu, tránh các chất kích thích như thuốc lá, cà phê... vì những chất này sẽ làm trẻ bị chậm phát triển tâm thần và thể chất.
Sẽ thực hiện kỹ thuật sinh thiết bánh nhau Theo các bác sĩ sản khoa, ngay sau khi trễ kinh, phụ nữ nên đi khám xác định xem đã có thai hay không, vị trí thai nằm ở đâu (trong tử cung hay ngoài tử cung), số lượng thai (đơn thai hay đa thai), tuổi thai, thai bình thường hay bất thường. Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán dị tật trước sinh như siêu âm, chọc hút nước ối... gần như phát hiện được hầu hết các dị tật thai nhi. Sắp tới, BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM và BV Phụ sản Trung ương sẽ thực hiện kỹ thuật sinh thiết bánh nhau nhằm chẩn đoán dị tật thai nhi ở tuần thứ 12 của thai kỳ, sớm hơn 8 tuần so với kỹ thuật chẩn đoán chọc hút nước ối (thường xác định dị tật ở tuần thứ 20 của thai kỳ). |
Bình luận (0)