Sáng 26-10, có mặt tại phòng tập của Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, chúng tôi chứng kiến cảnh tập miệt mài giữa các kỹ thuật viên (KTV) và các bệnh nhi chậm phát triển vận động.
39% trẻ sẽ đi học bình thường
Ở góc phòng, một bé gái 8 tháng tuổi đang được KTV cho ôm một quả bóng to để tập luyện động tác thăng bằng. Đồng thời, hai tay của chuyên viên giữ trên hai tay đã bị liệt của cháu bé để tập chịu sức cho 2 bàn tay. Chị V.L.C.N, 26 tuổi, ngụ ở phường Thới An, quận 12 - TPHCM, mẹ của cháu bé ngồi cạnh kể, cách đây 8 tháng chị sinh đôi. Khi được 7 tháng tuổi, người chị song sinh của cháu đã biết ngồi còn cháu thì cứ nằm mãi. Thấy lạ, chị đưa cháu đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị bại não do sinh non (chị sinh cháu lúc 30 tuần tuổi) và cần phải tập vật lý trị liệu.
KTV cao cấp Hà Thị Kim Yến, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 1, cho biết hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 150 trẻ đến tập và khoảng 35 trẻ được điều trị bán trú. Số bệnh nhi đến điều trị ban ngày sẽ được KTV hướng dẫn tập luyện tại nhà và tuân thủ chế độ tái khám. Còn tại khu điều trị bán trú đa số điều trị cho những trẻ bại não ở mức độ nặng hơn. Một nghiên cứu mới đây về hiệu quả trong hồi phục chức năng cho trẻ bại não tại khu điều trị bán trú này cho thấy có tới 39% trẻ đi học bình thường, 41% trẻ học trường đặc biệt và 20% trẻ trở về với gia đình.
Đứng cạnh cháu C.P.K, hơn 4 tuổi, ngụ ở quận 10 - TPHCM đang chơi đồ chơi tại khu điều trị bán trú, chị Kim Yến kể về quá trình cải thiện vận động của cháu. 18 tháng tuổi, cháu K. được cha mẹ đưa đến khoa trong tình trạng chưa biết lật, chưa biết nói và chậm phát triển tâm thần. Qua thời gian luyện tập 3 năm, giờ cháu đã đi lại bình thường và giao tiếp được bằng lời. Chị Kim Yến nhận định, nhiều khả năng cháu K. sẽ đi học được. Tuy nhiên, do bị chậm phát triển về tâm thần nên cháu cần phải học ở trường đặc biệt.
Đừng bỏ lỡ “thời gian vàng”
Những nguyên nhân gây ra bại não thường gặp hiện nay là do sinh non (sinh càng non càng có nguy cơ bại não cao), sinh ngạt, vàng da bệnh lý... Nhiều bậc cha mẹ và ngay cả một số nhân viên y tế lại có quan niệm sai lầm rằng trẻ sinh non sẽ chậm phát triển vận động nên thường ngồi “đợi” tới ngày trẻ biết đi, biết nói mà bỏ qua khoảng “thời gian vàng” để tập luyện cho trẻ. Đó là 3 năm đầu tiên của trẻ. Khoảng thời gian này, hệ thần kinh của trẻ còn non nên có thể uốn nắn những sai lệch. Còn khi trẻ hơn 3 tuổi, đặc biệt hơn 5 tuổi, hệ thần kinh đã trưởng thành thì điều trị rất khó khăn.
Theo KTV Kim Yến, đa số trẻ bại não thường bị “giới hạn về nhận thức do bị giới hạn vận động”. Cụ thể, để dạy trẻ nhận biết màu trắng thì với trẻ bình thường khi ngồi, khi đi có thể nhìn những sự vật xung quanh để biết những sự vật nào cùng có màu trắng nhưng với trẻ bại não nếu không được tập vật lý trị liệu thì chỉ biết mỗi trần nhà có màu trắng. KTV Kim Yến nhấn mạnh, tất cả trẻ bị bại não được tập vật lý trị liệu đều được cải thiện về vận động. Với trẻ bại não ở mức độ trung bình và nhẹ nếu được tập sớm sẽ có khả năng đi lại và có thể đi học ở các lớp học bình thường.
Thực tế đã cho thấy, đa số trẻ bại não đến Khoa Vật lý trị liệu điều trị trong tình trạng khó khăn về vận động, không trườn, bò, ngồi, đứng, đi được và gặp khó khăn về ăn uống (hay bị sặc, khó nhai...). Sau khi được tập vật lý trị liệu, đa số các cháu đều có thể di chuyển được, nhai được. Dù vậy, KTV Kim Yến cũng lưu ý chăm sóc trẻ bại não không chỉ trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi sự bền chí, lâu dài. Hiện nay có nhiều cháu đã đi học bình thường nhưng vẫn phải tuân thủ chế độ luyện tập để duy trì sức cơ, tập độ mạnh cho cơ.
Bại não rất dễ dẫn đến tàn tật Bại não chiếm 0,2% trẻ sinh ra còn sống ở các nước đang phát triển. Bại não là trường hợp tổn thương thần kinh trung ương dẫn đến những bất thường về tư thế, trương lực cơ, chậm phát triển chức năng vận động, khó khăn về ăn uống, rối loạn cảm giác, đôi khi kèm theo chậm phát triển về trí tuệ, khiếm khuyết nghe-nhìn như điếc, lé. Tiên lượng dễ đưa đến tàn tật bởi có nhiều biến chứng và bệnh lý kèm theo như co rút, biến dạng, trật khớp, viêm phổi hít, suy dinh dưỡng, táo bón, co giật, động kinh. |
Bình luận (0)