Việc bao giờ bệnh nhân hết khổ được đặt ra từ lâu nhưng nhiều năm qua, ngành y tế vẫn không giải quyết nổi. Còn nhớ ở nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã bị các đại biểu Quốc hội chất vấn gay gắt và cũng hứa sẽ giảm tải bệnh viện (BV) nhưng càng giảm tải, BV càng... quá tải!
Bất lực!
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có tỉ lệ 20,5 giường bệnh/ 10.000 dân là quá thấp so với khu vực và quốc tế. Mỗi ngày, một bác sĩ khám trung bình cho 80-90 bệnh nhân (một số BV chuyên khoa có ngày, một bác sĩ phải khám cho cả trăm bệnh nhân). Số liệu đó phản ánh tình trạng quá tải không chỉ về cơ sở vật chất mà cả nguồn nhân lực.
Thực tế trong nhiều năm qua, các BV lớn đã cố gắng để giảm tình trạng quá tải như kê thêm giường, thậm chí ghế bố ra cả hành lang và những chỗ có thể khác, rút ngắn thời gian điều trị, khám dịch vụ, áp dụng công nghệ thông tin… nhưng vẫn bất lực. Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM Trần Thanh Mỹ phân trần: “So với 20 năm trước, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 4 lần, số lượt khám tăng cả vài chục lần và số ca phẫu thuật tăng 10 lần. Hiện có ngày BV tiếp nhận đến 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, diện tích cả khu khám bệnh chỉ 6.000 m2 thì làm sao chứa đủ”.
Tình trạng thiếu cơ sở vật chất điều trị bệnh là nguyên nhân chính gây quá tải. Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, cơ sở 2 của BV này bị “treo” hơn 10 năm qua, vẫn chưa có giải pháp. Tương tự, dự án xây dựng BV nhi của TPHCM vẫn chỉ nằm trên giấy, trong khi đó dân số tăng nhanh, tỉ lệ bệnh nhân các tỉnh đổ về các BV ở TPHCM ngày càng tăng, càng gây áp lực quá tải.
Loay hoay với các giải pháp
Làm việc với UBND TPHCM để giải quyết vấn đề quá tải BV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra 5 gói giải pháp, từ cơ chế, chính sách, tài chính đến chuyên môn – kỹ thuật, tuyên truyền. Bộ trưởng cũng hứa sẽ xây dựng đề án giảm tải BV dự kiến trình Chính phủ trong năm 2012. Tất cả cho thấy ngành y tế đang chạy theo thực tế sau khi đã bỏ qua công tác quy hoạch. Thực tế trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã thực hiện Đề án 1816 để tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho tuyến cơ sở, với 35 BV Trung ương, 185 BV tỉnh, TP và 322 BV tuyến huyện tham gia nhưng kết quả còn rất khiêm tốn.
Theo ông Lê Hoàng Minh, BV Ung Bướu TPHCM đã chuyển kỹ thuật xạ trị cho các BV tỉnh nhưng các BV này lại thiếu nhân lực, cho thấy sự thiếu đồng bộ trong việc thực hiện đề án này. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1-TPHCM, cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới có thể giảm bệnh nhân chuyển viện nhưng không giảm số bệnh nhân tự chọn cơ sở điều trị. Đây cũng là vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính (viện phí), thủ tục hành chính trong khám, điều trị theo BHYT. Chỉ khi nào các BV tuyến địa phương đảm nhiệm tốt công tác chữa bệnh thông thường, một số chuyên khoa ít phức tạp, khi ấy mới có thể nói đến chuyện giảm tải.
Tuy nhiên, điều căn bản nhất là ngành y tế hiện nay mất cân đối về chất lượng điều trị. Một khi các tuyến dưới vẫn để xảy ra những tai biến y khoa, sự cố không đáng có như trong thời gian qua, chất lượng điều trị không cao thì vẫn còn quá tải ở các BV tuyến cuối. Việc cải tiến thủ tục khám chữa bệnh bằng BHYT, mức viện phí; phát triển các BV, cơ sở điều trị bệnh tư nhân, vốn nước ngoài… cũng góp phần làm giảm tải BV.
Tất cả các giải pháp dù trước mắt hay lâu dài để giảm tải BV đều phải dựa trên cơ sở chất lượng điều trị. Một khi chất lượng điều trị ở cơ sở, Trung ương và các TP lớn còn chênh lệch quá lớn, tức là “thủng” tuyến dưới thì việc giảm tải các BV lớn là bất khả thi.
“… Bệnh viện thiếu mà sân golf nhiều, nhà trẻ thiếu mà khu công nghiệp đất trống, rồi chuyện sân bay, cảng biển... thì đó là vấn đề ở quy hoạch…”.
(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 1-12)
Bình luận (0)