Sở Y tế TP HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Số bệnh nhân chạy thận ngày càng tăng nên đa số các bệnh viện (BV) phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày.
Bệnh nhân tăng, bệnh viện tăng ca
Theo Sở Y tế, BV TP Thủ Đức xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân, BV phải mua dịch lọc thận theo tuần khiến hoạt động chạy thận của bệnh nhân gặp khó. Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo BV TP Thủ Đức và tìm ra nguyên nhân do BV không lựa chọn được nhà thầu đối với mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi vì xây dựng giá kế hoạch thấp. BV đã tự xử lý tình huống bằng cách thực hiện các gói thầu quy mô nhỏ để bảo đảm có đủ dịch lọc thận trong khi chờ thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định cho gói thầu quy mô lớn với hình thức đấu thầu rộng rãi trở lại.
Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi (dự kiến tháng 8-2023), Sở Y tế đã hướng dẫn BV thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp từ kết quả trúng thầu của các BV khác trên địa bàn để đáp ứng một số lượng dịch lọc thận lớn hơn và không phải mất nhiều thời gian, công sức để tổ chức các gói thầu mua sắm nhỏ lẻ.
Bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP HCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 3-4, tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận cũng xảy ra ở nhiều BV nhưng không đến mức mất kiểm soát.
BV Nhân Dân 115 là đơn vị có số máy chạy thận nhiều nhất TP HCM. BSCK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết hiện nay BV có 40 máy chạy thận mỗi ngày 4 ca với số bệnh nhân định kỳ là 235 người, chạy cấp cứu 15 ca.
Còn theo BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, hiện BV có 35 máy lọc thận, giải quyết cho gần 200 bệnh nhân, chạy 3 ca gồm chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu liên tục, hồi sức, ngộ độc, chăm sóc nhiễm trùng. Do nhu cầu chạy thận tăng nên dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, BV sẽ tăng thêm 3 máy, chạy 3 ca, giải quyết trung bình cho thêm gần 20 bệnh nhân.
Trong khi đó, tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP HCM, số bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng tăng do phải giải quyết để giảm tải lượng bệnh nhân từ các BV lớn như Chợ Rẫy, 115 chuyển về.
Theo BS Trần Văn Tiến, Trưởng Đơn vị Thận nhân tạo BV Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP HCM, hiện BV có 23 máy chạy thận nhân tạo đang lọc máu chu kỳ cho 110 bệnh nhân, chưa kể số ca chạy thận cấp cứu. "Nhu cầu chạy thận gần đây tăng mạnh. Một năm trước, số bệnh nhân chạy thận chỉ 50 ca nhưng nay con số này tăng hơn gấp đôi. So với năm trước, bệnh nhân các tỉnh và một số quận, huyện trên địa bàn TP chuyển lên đông hơn, chiếm hơn 30%/tổng số bệnh nhân đang chạy thận ở BV" - BS Tiến thông tin.
Một bác sĩ tại Khoa Thận Nhân tạo BV Thống Nhất cho biết hiện khoa đang có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi ngày, BV có 3 ca chạy thận, mỗi ca khoảng 4 giờ. Các y, bác sĩ tại khoa làm việc liên tục từ 5 giờ đến 18 giờ. Do đó, ngoài các bệnh nhân cấp cứu, BV không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác. "Bệnh nhân xin chạy thận rất khó bởi hiện nay nhiều BV có chạy thận nhân tạo đều quá tải. Thậm chí, có một số thời điểm không có máy, bệnh nhân có BHYT tại BV cũng phải chuyển về tuyến quận, huyện" - bác sĩ này cho biết.
Quá tải nhưng không thiếu vật tư
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, BSCK2 Hoàng Ngọc Quý, Trưởng Khoa Thận nhân tạo - BV Nhi Đồng 2, cho biết BV không chỉ chạy thận mà còn có thẩm phân phúc mạc, ghép thận cho bệnh nhi. Hiện BV có 43 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân chạy thận và được chia làm 2 ca.
Theo bác sĩ Quý, bệnh nhân chạy thận có đông nhưng không gặp nhiều khó khăn. Dịch lọc chạy thận vẫn đủ. Tuy nhiên, vì đặc thù là bệnh nhi nên khi sử dụng quả lọc máu gặp khó khăn. "Điều này mang yếu tố khách quan. Bởi quả lọc dùng cho bệnh nhi khác người lớn. Có những quả lọc sử dụng cho bệnh nhi quá nhỏ sẽ gặp khó vì các công ty nhập khẩu phân phối đôi khi không có hàng. Bên cạnh đó, tỉ lệ sử dụng ít nên việc mua cũng không dễ. May mắn là tình trạng này rất ít gặp, chúng tôi có thể điều phối được. Nếu trường hợp bệnh nhi quá nhỏ, khó khi sử dụng quả lọc thì sẽ tư vấn cho người nhà và chuyển qua thẩm phân phúc mạc" - BS Quý nói và khẳng định việc chuyển đổi phương pháp không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ.
BS Trần Văn Tiến cho biết đầu năm 2022, BV Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP HCM cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc tạo máu, thuốc huyết áp, vật tư tiêu hao, dịch lọc phục vụ cho việc chạy thận nhưng với sự nỗ lực của ban giám đốc, mọi chuyện được giải quyết.
BS Trần Văn Khanh cũng khẳng định hiện BV Lê Văn Thịnh vẫn bảo đảm đủ vật tư y tế liên quan đến việc chạy thận.
Sở Y tế TP HCM cho biết qua báo cáo trong giao ban hàng tuần với các BV trực thuộc, mặc dù số bệnh nhân đang điều trị lọc thận quá tải, đa số các BV phải tổ chức nhiều ca chạy trong ngày nhưng vẫn bảo đảm không để thiếu các vật tư, dịch lọc. "Trường hợp tại BV TP Thủ Đức là tình huống riêng lẻ, không phổ biến tại các BV trên địa bàn TP" - Sở Y tế TP HCM nhấn mạnh.
Đầu tư thiết bị chạy thận cho tuyến huyện
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM vừa qua đã có buổi họp với các BV đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận, đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các BV trên địa bàn.
Qua buổi làm việc, các chuyên gia dự báo nếu số BV có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi. Các chuyên gia kiến nghị sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các BV) giúp tất cả các BV tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.
Bình luận (0)