Là một bệnh viện (BV) chuyên khoa đầu ngành của TP HCM, BV Tai Mũi Họng từ lâu đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày. Do lượng bệnh nhân ngày càng đông, ngày 17-12-2003, UBND TP HCM đã ra quyết định thu hồi 2 căn nhà 157 và 157 Bis Trần Quốc Thảo (nằm cạnh BV) bàn giao cho BV để thực hiện dự án mở rộng khu khám và điều trị ngoại trú. Thế nhưng, vì nhiều lý do, đến nay, sau 11 năm, dự án vẫn chưa được thực hiện. Khu khám BHYT của BV vẫn đang phải nằm chen chúc trong tòa nhà 157 bởi việc di dời 2 hộ dân ở đây chưa thực hiện xong.
Khu khám BHYT xuống cấp nặng
Theo bác sĩ (BS) Lương Thị Cúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, khi UBND TP HCM ban hành quyết định nêu trên, Trường Mầm non 9 (quận 3) tọa lạc tại tầng dưới căn nhà 157; còn lầu 1 có 2 hộ dân là gia đình bà T.T.Ng và T.T.M.P - vốn là cháu của chủ nhân tòa nhà trước đây, được cho ở nhờ.
Năm 1977, khi xuất cảnh, bà Thái Huỳnh Cư (chủ nhà) đã làm đơn xin giao lại toàn bộ căn nhà cho nhà nước quản lý. Hai người cháu đang ở nhờ không chịu dời đi. Do thời điểm đó, dù 157 Trần Quốc Thảo đã là nhà công sản nhưng do chưa có nhu cầu thực hiện dự án nào nên các cơ quan công quyền chưa yêu cầu di dời 2 hộ này.
Ngày 15-4-2002, UBND TP HCM ban hành quyết định về việc di dời các hộ cư ngụ trong khuôn viên BV - trường học. Ngày 9-11-2004, UBND quận 3 tiếp tục công bố danh sách các hộ dân phải di dời khỏi khuôn viên BV Tai Mũi Họng, trong đó có 2 hộ nêu trên. Quận 3 cũng tiến hành đo đạc và đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Tuy nhiên, khi BV Tai Mũi Họng đến tiếp quản căn nhà 157 với mục đích ban đầu là sử dụng trước tầng trệt thì việc di dời, đền bù giải tỏa đối với 2 hộ cư ngụ trên lầu 1 chưa thực hiện xong. Hai hộ này còn phá khóa gian nhà chính của tầng dưới, treo bảng “nhà thờ họ tộc”. Từ đó đến nay, khu khám BHYT của BV phải hoạt động chen chúc với 2 hộ này. Bệnh nhân phải đợi khám bệnh dưới một mái che tạm thời do BV dựng lên; còn người nhà họ thì ngồi vật vạ trong khu vườn, bên cạnh bãi giữ xe và trên hiên của “nhà thờ họ tộc”.
“Hai căn phòng nhỏ dùng làm phòng hành chánh và phòng khám cũng xuống cấp trầm trọng, dột nát, đường dây điện đã cũ và rất nguy hiểm. Thế nhưng, chúng tôi không thể sửa chữa gì được vì 2 hộ này liên tục gây rối. Mỗi khi đo đạc hay làm những gì lặt vặt đụng đến căn nhà, chúng tôi phải mời công an, phường đội đến” - BS Cúc cho biết.
Vẫn chưa cưỡng chế
Theo ông Thân Thanh Phong, Phó trưởng Ban Bồi thường và Giải phóng mặt bằng quận 3, sau nhiều năm thỏa thuận không thành công, UBND quận đã có văn bản gửi UBND TP HCM để đưa ra phương án hỗ trợ tốt hơn và đã được chấp thuận vào năm 2007. Tuy nhiên, 2 hộ bà Ng. và bà P. vẫn chưa đồng ý.
Hiện tại, mức bồi thường là 60% giá thị trường đối với phần diện tích được chủ nhà cho ở nhờ trước khi giao cho nhà nước (trên 2 tỉ đồng/hộ). Tuy nhiên, bà Ng. và bà P. yêu cầu được bồi thường 100% giá trị tính theo thị trường của toàn căn nhà hoặc được cấp lại một căn khác cùng diện tích ở trung tâm quận 3 hay mua hóa giá toàn bộ căn nhà này.
“157 Trần Quốc Thảo vốn là nhà công sản nên các yêu sách của họ chắc chắn không thể chấp nhận được. Đây chỉ là 2 hộ được bà Cư cho ở nhờ, trong khi chủ nhân đã giao lại nhà cho nhà nước. Để tạo điều kiện cho người dân được an cư, các cơ quan nhà nước mới đưa ra phương án bồi thường. Mức bồi thường hiện nay đủ để mỗi người mua một căn hộ chung cư thuộc trung tâm quận 3 hay một căn nhà tương đối lớn ở các quận xa hơn chút” - ông Phong nói.
Sau nhiều lần vận động không thành công, vừa qua, UBND quận 3 đã thông báo với BV Tai Mũi Họng tiến hành cưỡng chế 2 hộ nêu trên vào ngày 15-8. “Tuy nhiên, hết ngày 15-8 vẫn không thấy động tĩnh gì” - BS Cúc cho biết. Giải thích điều này, ông Phong cho rằng do UBND TP HCM yêu cầu UBND quận 3 báo cáo thêm về cơ sở pháp lý với Sở Tài nguyên và Môi trường để sở báo cáo UBND TP…
“Việc làm này chỉ mang tính thủ tục bởi đây là nhà công sản và các yếu tố liên quan đã được bảo đảm từ lâu. Trong báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi ghi rõ: Hồ sơ được thực hiện bảo đảm các yếu tố pháp lý” - ông Phong khẳng định.
Ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn
Theo TS-BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV Tai Mũi Họng, không mở rộng được BV trong nhiều năm qua không chỉ dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng mà còn cản trở việc thành lập nhiều chuyên khoa sâu như thanh học, nội soi cao cấp, dinh dưỡng, phòng quản lý chất lượng BV...
Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP HCM, BV Tai Mũi Họng đã cho đấu thầu dự án mở rộng BV, dự kiến thực hiện vào cuối năm 2013 nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.
Bình luận (0)