Căn bệnh không mới nhưng những đồn đoán, lo sợ về các biến chứng của nó vẫn ám ảnh nhiều người. Phổ biến nhất vẫn là nỗi sợ quai bị sẽ gây vô sinh ở nam giới nên nhiều phụ huynh vô cùng hốt hoảng mang con trai đến viện khi các cháu mắc bệnh, thậm chí còn chưa yên tâm khi bệnh của con đã khỏi. Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, khẳng định nguy cơ vô sinh ở nam chỉ có thể xảy ra khi bệnh nhân bị biến chứng viêm tinh hoàn (cả hai bên) mà không được điều trị dẫn đến teo tinh hoàn cả hai bên. Biến chứng viêm tinh hoàn có thể thấy rõ bởi biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau ở khu vực này và nếu được điều trị kịp thời, đúng cách thì thường không thể dẫn đến vô sinh. Biến chứng viêm tinh hoàn thường chỉ xảy ra với đàn ông trưởng thành và bé trai tuổi dậy thì, vì vậy phụ huynh không nên lo lắng khi bé trai còn nhỏ tuổi mắc bệnh này.
Theo BS Khanh, thời điểm này cũng là giai đoạn bệnh quai bị gia tăng vì cao điểm là vào tháng 12 đến tháng 2 hằng năm. Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh là sưng hai bên mang tai. Tuy nhiên, hầu hết trẻ có thể được chăm sóc tại nhà, nhiều trẻ thậm chí còn không bị sốt khi mắc bệnh. Khi chăm sóc trẻ quai bị, phụ huynh nên chú ý 2 dấu hiệu: nôn ói và sưng, nóng, đỏ, đau tinh hoàn. Đó là 2 dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi khám BS. Trẻ có thể được điều trị nội trú hoặc ngoại trú tùy theo tình trạng bệnh. Ngoài viêm tinh hoàn, bệnh còn có một số biến chứng khác như viêm màng não, viêm cơ tim nhưng rất hiếm gặp nên phụ huynh không nên quá lo sợ.
Quai bị là một căn bệnh lây lan qua đường hô hấp, đa số người bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày và ít khi xảy ra biến chứng. “Để phòng bệnh, tốt nhất là đưa trẻ đi chích ngừa. Tác dụng bảo vệ sẽ phát huy sau khoảng 10 ngày” - BS Khanh khuyến cáo.
Bình luận (0)