Đưa hóa chất vào thực phẩm
Tình trạng đáng báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam không phải là chuyện mới. Năm 2008, “cơn bão” melamine đã làm điên đảo không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa vì người tiêu dùng quay lưng với mặt hàng này. Không lâu sau, dư luận lại nhốn nháo về chuyện trứng gà giả, hạt dưa nhiễm độc, hộp đựng cơm chứa chất gây ung thư, kẹo phát sáng gây ung thư, hoa quả “bơm” hóa chất…
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2007-2010, trung bình mỗi năm có hơn 190 vụ ngộ độc thực phẩm, số người chết do ngộ độc thực phẩm là gần 200 người.
GS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng thừa nhận trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ ở nước ta, vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất nan giải.
Chạy theo sự vụ
Thực tế cho thấy hầu như các vụ sản phẩm có chứa độc tố nguy hại cho sức khỏe con người chỉ được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết sau khi nước ngoài công bố thông tin.
Để giám sát chủ động cần phải xây dựng được hệ thống cảnh báo các nguy cơ về thực phẩm. Tuy nhiên, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của nước ta vẫn còn ở thế bị động, phần lớn chạy theo các cảnh báo của nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết ở Việt Nam hiện nay rất nhiều loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ phát hiện được ngộ độc thực phẩm, còn các bệnh chuyển hóa, bệnh lâu dài mới phát tác như ung thư thì chưa.
Quản lý thị trường chờ y tế
Chiều 13-6, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho biết đang theo dõi sát sao diễn biến từ ngành y tế đối với những sản phẩm liên quan đến chất DEHP. Tuy nhiên, chi cục vẫn chưa thể tiến hành kiểm tra trên thị trường đối với các mặt hàng liên quan do những mặt hàng này đều có nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ hóa đơn chứng từ. Mặc dù vậy, chi cục cũng đã triển khai các đội QLTT tại các quận-huyện mà ngành y tế thông tin có các công ty nhập khẩu cũng như phân phối sản phẩm liên quan đến DEHP. “Trước mắt, ngành y tế phải có văn bản chính thức về việc kiểm tra, xử lý các sản phẩm liên quan như thế nào để chi cục triển khai kiểm tra” – ông Đức nói.
N.Hải |
Quyết loại DEHP khỏi thị trường
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 13-6. Theo ông Hòa, hoạt động thanh tra, kiểm tra vừa qua chỉ mới tập trung vào sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan. Sắp tới, sẽ mở rộng thanh tra, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu từ các nước thứ ba và sản phẩm trong nước (nhập nguyên liệu về Việt Nam). Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, cơ quan này đã yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng tự công bố thông tin về các sản phẩm bị nhiễm DEHP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng ngày, đại diện các siêu thị Co.opMart, BigC, Maximark, Citimart cho biết không bán sản phẩm nước ép, xi rô chứa DEHP của Công ty TNHH Nhất Phú Quý (quận 3 – TPHCM) và Công ty TNHH một thành viên Hà Thành (quận Bình Thạnh – TPHCM). Theo các siêu thị, các mặt hàng nước ép trái cây, xi rô bán tại siêu thị chủ yếu nhập khẩu từ Úc và Hàn Quốc. N.Thạnh - T.Nhân |
Bình luận (0)