Bộ Y tế cho biết cả nước hiện có trên 30.000 điểm tiêm chủng ở 11.000 xã, phường, thị trấn. Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, mỗi năm chương trình cung cấp khoảng 30 triệu mũi tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ giai đoạn mang thai và trẻ em dưới 60 tháng tuổi. Bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia, tiêm chủng dịch vụ cũng cung cấp khoảng 5 triệu mũi tiêm dịch vụ mỗi năm góp phần không nhỏ vào nâng cao tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin. Những thành công mà công tác tiêm chủng mở rộng đem lại giúp thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, tăng tỉ lệ sống sót của trẻ tới tuổi trưởng thành. Dù vậy, theo một thống kê trước đó, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm miễn phí mới chỉ khoảng 80%. Lý do chính là quên, sót mũi tiêm, trẻ theo cha mẹ đến nơi ở mới chưa thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ tiêm chủng và một phần là hệ thống quản lý hiện nay chưa đáp ứng được hoặc chưa đưa ra số liệu chính xác.
Các nguyên nhân chính là do còn sử dụng các hệ thống thu thập thông tin liên quan tới tiêm chủng rời rạc, không liên thông số liệu, không triển khai đồng bộ trên toàn quốc, chưa có phân tích dự báo kịp thời, tách biệt giữa 2 loại hình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, tách biệt giữa quản lý tiêm chủng và quản lý vắc-xin, khó khăn trong quản lý các trường hợp khi gia đình mất sổ tiêm chủng.
Tiêm chủng giúp dự phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ
Từ tháng 4-2017, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Theo các chuyên gia, hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý tiêm chủng, từng bước tăng độ phủ tiêm chủng. Ngoài ra, thông tin tiêm chủng được tổng hợp, báo cáo chi tiết đến từng đối tượng trẻ em, từng mũi vắc-xin, dự trù vắc-xin... Cùng đó, với phần mềm Sổ tiêm chủng gia đình được Viettel phối hợp với Cục Y tế dự phòng xây dựng và triển khai miễn phí cũng giúp người dân dễ dàng cập nhật thông tin các mũi đã tiêm của trẻ, thông tin phác đồ tiêm mở rộng của Bộ Y tế, các thông tin y tế ngay trên ứng dụng trong điện thoại.
Mới đây, một đơn vị chuyên về lĩnh vực công nghệ đã công bố triển khai phần mềm "Quản lý phòng tiêm chủng dịch vụ SMED" trên quy mô toàn quốc. Ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống phần mềm "Quản lý phòng tiêm chủng dịch vụ SMED" được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, giúp quản lý toàn diện quy trình tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở tiêm. Phần mềm này sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng với mã số cá nhân (ID), lịch sử tiêm chủng suốt đời, gồm có thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm... Ngoài ra, phần mềm này còn có các tính năng rất cần thiết cho người dân như: tích hợp SMS nhắc lịch hẹn tiêm, hóa đơn điện tử, quản lý gói vắc-xin đặt trước, tư vấn dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, phù hợp với các bà mẹ cũng như người chăm sóc trẻ nhỏ...
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc quản lý tiêm chủng vắc-xin bằng phần mềm góp phần thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, không để sót đối tượng, bảo đảm quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ. Phần mềm cũng giúp phụ huynh theo dõi và nắm thông tin tiêm chủng của trẻ qua hệ thống viễn thông, hệ thống sẽ nhắc nhở phụ huynh nhớ lịch tiêm cho con.
30 bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin
Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh. Khoảng 85%-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Nhờ có vắc-xin, hằng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm.
Bình luận (0)