Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube… xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời tán dương về tác dụng thần kỳ của sản phẩm. Hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trong nhiều clip quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm gây bức xúc trong dư luận.
Đủ chiêu trò quảng cáo lố
Ông Nguyễn Văn Quân (65 tuổi, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị viêm xoang lâu năm. Thấy thông tin trên mạng xã hội về loại thuốc dạng viên sủi quảng cáo là "sản phẩm điều trị viêm xoang số 1 Việt Nam" có thành phần thảo dược từ thiên nhiên, được áp dụng công nghệ hoạt hóa của Đức, ông Quân nhắn tin hỏi. Ngay sau đó, ông được một người gọi xưng là "bác sĩ" tư vấn liệu trình dùng viên sủi điều trị viêm xoang. Sau nhiều lần tư vấn với những công dụng "có một không hai", "bác sĩ" này còn gửi cả hình ảnh đánh giá về hiệu quả của sản phẩm được phát trên đài truyền hình về sản phẩm nên ông Quân tin tưởng và chấp nhận chi 1,2 triệu đồng mua một nửa liệu trình điều trị viêm xoang trong 2 tuần.
Những cảnh báo các trang mạo danh bệnh viện, bác sĩ để quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng
"Khi đó tôi mừng lắm vì thấy họ quảng cáo người bị nặng thì cũng chỉ mất gần 1 tháng là khỏi, còn nếu nhẹ chỉ mất 15 ngày, hơn nữa sản phẩm là thảo dược nên cũng không có độc tính" - ông Quân kể.
Sau 2 tuần uống "thuốc" trị viêm xoang, bệnh chẳng những không đỡ mà ông Quân còn bị đau bụng, đi ngoài liên tục. Chia sẻ thông tin về sản phẩm viên sủi trị viêm xoang cho con cháu, ông mới ngã ngửa khi biết tất cả những hình ảnh về công dụng với nhiều mỹ từ được phát trên đài truyền hình đều là cắt ghép.
Cách đây ít ngày, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân bị tiểu đường rất nặng vì bị lừa mua thực phẩm chức năng trên trang Facebook giả danh bác sĩ Trần Văn Chiển, Phó Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau dùng thuốc, bệnh nhân bị biến chứng nặng dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao, sụt 10 cân.
Hàng loạt sản phẩm quảng cáo thổi phồng bị bêu tên trên trang web của Cục An toàn thực phẩm
Không chỉ quảng cáo trên mạng, các cơ sở bán thực phẩm chức năng còn đến tận phường, xã để mời chào. Bà Phạm Thị Hằng (ở quận Hoàng Mai) cho biết thi thoảng lại có giấy mời ra nhà văn hóa để dự hội thảo giới thiệu sản phẩm hoặc được tư vấn sức khỏe miễn phí. Tại đây, người tham dự được đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường và tặng quà miễn phí, sau đó các nhân viên sẽ mời chào mua sản phẩm. Nhiều người già "bùi tai" đã không tiếc tiền mua những sản phẩm với hy vọng "hết đau nhanh, khỏe nhanh".
Khó xử lý quảng cáo "nổ"
Tại trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cơ quan này liên tục bêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố… là thực trạng đang diễn ra phổ biến.
Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng… như thuốc chữa bệnh.
Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo và nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…
Trên nhiều trang mạng xã hội, nhiều loại thực phẩm chức năng đang được "thần thánh hóa", coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là "số 1", "tốt nhất", "cứu tinh", "thần dược", "cam kết không tái phát", "chữa dứt điểm đau xương khớp"... thổi phồng chức năng của sản phẩm, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
"Những quảng cáo gây hiểu nhầm như trên đều vi phạm pháp luật. Đó thực ra chỉ là những sản phẩm hỗ trợ, là thực phẩm chức năng và hoàn toàn không có công dụng như thuốc chữa bệnh" - ông Phong khẳng định.
Do được phát triển rầm rộ nên việc phát hiện các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có quảng cáo thổi phồng không khó nhưng xử phạt không dễ.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết khi cơ quan chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo quá lố công dụng của các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mời các doanh nghiệp có sản phẩm này lên làm việc thì gần như tất cả đều chối bay chối biến, khẳng định mình không liên quan và đổ cho bên thứ 2 là các đại lý tự kinh doanh và quảng cáo.
Nói thêm về cái khó của cơ quan quản lý, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết rất nhiều quảng cáo được phát tán từ máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc xử lý không dễ. Cục An toàn thực phẩm đã tổng hợp để chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông, trong trường hợp tìm ra đích danh công ty thực hiện quảng cáo sai phạm cần xử lý vi phạm.
Đông dược không chữa được bệnh mạn tính
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, bày tỏ bức xúc khi việc quảng cáo rầm rộ thuốc đông y quá mức trên các trang mạng xã hội. Ông cho biết trong đông y, với các bệnh mạn tính như vảy nến, đái tháo đường thì không thể chữa khỏi được. Khi người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến đó là bệnh đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi.
"Tôi khẳng định những bệnh mạn tính, đông y không thể chữa khỏi. Với một số bệnh khớp cũng có thể đông y chữa tốt nhưng cũng có bệnh chỉ làm ổn định từng giai đoạn như thoái hóa xương khớp. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo mà chỉ nên tin vào các cơ sở y tế được cấp phép đầy đủ" - PGS Cảnh khuyến cáo.
Bình luận (0)