PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết VN từng đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 nhưng từ năm 2005 đến nay, dịch sởi vẫn được ghi nhận tại nhiều địa phương. Điều đó cho thấy nguồn lây bệnh sởi chưa bị cắt đứt hoàn toàn. Riêng năm 2009, đã xảy ra dịch sởi với trên 7.000 ca mắc trên cả nước. Nhóm mắc cao nhất là trẻ 1-5 tuổi và người 18-26 tuổi. Tính đến tháng 9-2010, dịch sởi tiếp tục xảy ra lẻ tẻ ở nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở phía Nam với 1.082 ca/1.609 tổng số ca mắc của cả nước, trong đó TPHCM là địa phương chiếm cao nhất.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ
Bệnh gây tử vong hàng đầu
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, chiến dịch tiêm ngừa sởi được Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát động từ hôm nay (4-10) nhằm thanh toán bệnh sởi tại VN vào năm 2012. Chiến dịch nhằm vào trẻ em từ 1-5 tuổi (dưới 72 tháng tuổi), sẽ được tổ chức tại các trạm y tế xã, phường, các trường tiểu học trên toàn quốc, ngoại trừ các nhóm chống chỉ định. Cũng theo ông Hiển, từ năm 2006, tất cả trẻ 6 tuổi đều được tiêm nhắc vắc-xin sởi mũi 2. Ngoài ra, Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung quy mô lớn trên toàn quốc, các vùng có nguy cơ cao.
Đến nay, sởi là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ. Theo ông Hiển, muốn cắt đứt sự lan truyền của bệnh, miễn dịch trong cộng đồng phải đạt trên 95%. Theo lịch tiêm trước đây, trẻ được tiêm mũi sởi lần đầu khi 9 tháng tuổi và sau đó tiêm mũi 2 khi được 6 tuổi.
Với chiến dịch tiêm miễn phí lần này, trẻ sẽ được tiêm mũi sởi nhắc lại khi đã đủ 18 tháng tuổi trở lên. Khoảng 8,1 triệu liều vắc-xin sởi của nhà sản xuất Sanofi (Pháp), đạt tiêu chuẩn và chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ được cung cấp trong chiến dịch này.
Tăng cường ngừa sởi cho người lớn
Phối hợp cùng ngành y tế thực hiện chiến dịch này, Bộ GĐ-ĐT cũng vừa có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT chủ động phối hợp với sở y tế tại địa phương tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho học sinh. Theo đó, ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên phối hợp với cán bộ y tế xã/phường, cộng tác viên y tế để lập danh sách trẻ thuộc diện cần tiêm vắc-xin sởi.
Theo TS Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng, không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà những năm gần đây, bệnh sởi đã tấn công cả người lớn và gây tai biến nguy hiểm. Các chuyên gia y tế cho rằng những người chưa được tiêm chủng đầy đủ, tiêm chủng đã lâu nhưng không tiêm nhắc lại khiến miễn dịch kém nên dễ mắc. Ông Cường cho biết thêm ngoài trẻ nhỏ trong độ tuổi được tiêm miễn phí, có thể tới đây, sẽ có một chiến dịch tiêm vắc-xin sởi tương tự ở nhóm tuổi 18-26. Hiện ngành y tế cũng đã tăng cường cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin sởi cho đối tượng này thông qua hình thức tự chi trả.
Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan rất mạnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc. Người mắc sởi có thể bị các biến chứng như: tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong. Đặc biệt, bệnh “chưa phát đã lây”, nghĩa là trước khi người mắc bệnh bị sốt cao đột ngột, đau người, viêm đường hô hấp, ho, chảy nước mũi..., nguồn bệnh ở người bị sởi đã lây lan, phát tán cho người khác. Đáng lưu ý, người lớn khi bị bệnh này thường rất chủ quan, tự chẩn đoán là cảm sốt, viêm họng, điều trị tại nhà, dẫn đến khó khăn cho điều trị và nguy cơ tai biến nguy hiểm.
Chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi
Các chuyên gia dịch tễ lưu ý không tiêm vắc-xin sởi cho những trẻ đang bị dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với vắc-xin sởi, dị ứng với trứng hoặc với một số thuốc: neomycin, kanamycin, erythromycine, gelatin. Ngoài ra, không tiêm vắc-xin sởi cho những trẻ đang bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch như: ung thư bạch cầu, u lympho, trẻ đang được điều trị bằng corticoid, phóng xạ... Không tiêm vắc-xin sởi khi trẻ đang bị sốt hay bị bệnh nhiễm trùng đang tiến triển. |
Bình luận (0)