Làm chủ một cơ sở kinh doanh khá lớn, chị N.T.M.T (32 tuổi) trở lại công việc chỉ sau 2 tháng sinh con nên phải thuê một người giúp việc để trông bé. Do không có nhiều thời gian gần con nên vợ chồng chị luôn tìm cách “bù đắp” và “giúp bé học hỏi” bằng những đĩa phim hoạt hình. Năm 2 tuổi, cháu bé còn được giao hẳn một máy tính bảng. Thấy con hí hoáy chơi điện tử trên máy tính bảng rất “nghề”, anh chị tự hào rằng cháu bé thông minh. Đến khi bé 3 tuổi rưỡi, hai vợ chồng mới nhận ra cháu hình như có vấn đề về ngôn ngữ. Trong khi con của các bạn ở tuổi đó đã nói chuyện tíu tít thì bé có phần kiệm lời, chưa bao giờ nói tròn câu mà chỉ là những từ rời rạc, ngọng nghịu và khó hiểu. Đưa bé đi khám, chị T. được các bác sĩ cho biết con chị bị chứng chậm nói do thiếu kích thích.
Nhiều nguyên nhân
Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhóm các em nhỏ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ do thiếu kích thích, thường là do môi trường gia đình không hỗ trợ cho sự phát triển ngôn ngữ. Những trẻ này có trí tuệ bình thường nhưng chỉ có khả năng giao tiếp là bị hạn chế. Tình trạng này ngày nay gặp khá nhiều do trong gia đình cha và mẹ đều bận rộn với công việc, sinh ít con nên bé không có ai chơi cùng.
Phát triển theo giai đoạn
Theo BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, trẻ em dưới 6 tháng tuổi cũng đã có những phản ứng với âm thanh như quay về phía nguồn âm thanh, bập bẹ… Đến 1 tuổi, đa số trẻ đã có thể gọi được “ba”, “má”, biết trả lời khi được gọi tên và hiểu một số mệnh lệnh đơn giản. Một tuổi rưỡi, trẻ hiểu các câu ngắn, đơn giản, nói thêm được một số từ. Hai tuổi, trẻ hiểu được những mệnh lệnh phức tạp, nói được tên mình và câu ngắn 2-3 từ. Ba tuổi, trẻ có thể hiểu được những câu chuyện, diễn tả bằng câu, đặt câu hỏi, biết dùng số nhiều và giới từ. Đến 4 tuổi, trẻ không còn mắc những lỗi văn phạm trầm trọng… Nếu không đạt được những yêu cầu ứng với độ tuổi như trên, cha mẹ nên hết sức chú ý về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. “Nên cho trẻ đi khám trước 18 tháng tuổi bởi càng lâu việc giúp trẻ rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ so với trẻ cùng tuổi sẽ càng vất vả. Nếu để đến 4-5 tuổi thì việc phục hồi càng khó khăn” - BS Thanh khuyến cáo.
BS Thanh cũng cho rằng một số phụ huynh không chú ý lắm đến giai đoạn trước 1 tuổi - trước khi trẻ thực sự biết nói, biết gọi ba, mẹ. Thực ra, trong bất kỳ giai đoạn nào, trẻ cũng cần tiếp thu ngôn ngữ từ xung quanh, cần được giao tiếp. Từ khi trẻ mới sinh đến lúc 6 tháng tuổi, cha mẹ nên giao tiếp với trẻ bằng nụ cười, những lời nói nhẹ nhàng, giải thích những tiếng động bé nghe được, gọi tên người và đồ vật, hát cho bé nghe… Khi trẻ lớn hơn, cần giúp trẻ khám phá thú vui giao tiếp, hỗ trợ bằng các hình thức trao đổi, kể chuyện cho bé nghe, cho bé xem tạp chí nhiều hình ảnh… Cho trẻ chơi cùng bạn bè đồng trang lứa cũng là cách giúp bé phát triển về ngôn ngữ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi giao tiếp với trẻ, cha mẹ tuyệt đối không nên nói ngọng, giả tiếng trẻ con không tròn chữ… vì có thể khiến trẻ “sao chép” lại thứ ngôn ngữ không chuẩn ấy, dẫn đến giọng nói ngọng nghịu về sau.
BS Lâm Hiếu Minh chia sẻ có nhiều phụ huynh cho bé xem tivi mỗi ngày đến 5-6 giờ, thậm chí cho con một máy tính bảng để bé chơi điện tử. Thực tế, những “bảo mẫu” công nghệ ấy không thể giúp bé phát triển ngôn ngữ bởi đó là môi trường không giao tiếp.
Bình luận (0)