Đặc điểm chung của các chất gây nghiện- ma túy (dưới đây gọi chung là ma túy) là tính gây nghiện, hấp thu nhanh, tạo nên trạng thái hưng phấn, cảm xúc vui vẻ, khoái lạc, quên mọi sự trên đời trong chốc lát; hoặc đơn giản hơn là khi sử dụng ma túy thì khoan khoái, đê mê, sung sướng vô ngần, nếu thiếu thì bị hành hạ về tinh thần và thể xác không thể chịu được nên người nghiện thèm muốn mãnh liệt được sử dụng ma túy mọi lúc mọi nơi dù hậu quả rất xấu; một cảm giác tội lỗi sau khi thực hiện nhưng bằng mọi giá phải tìm cho bằng được nó nên người ta trở thành nô lệ cho ma túy dù biết là sai trái.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Tự Do Bruxelles thì tại TPHCM tỉ lệ nhiễm HIV trên người nghiện dùng tiêm chích lên đến 30%, có ý nghĩ, hành vi tự sát là 25%. Đó là chưa kể đến sự băng hoại về đạo đức, biến đổi nhân cách một cách bệnh hoạn, làm đảo lộn trật tự kỷ cương gia đình, xã hội.
Biểu hiện lâm sàng
Biểu hiện chung rất dễ nhận biết là xuất hiện “hội chứng cai” hay là hội chứng thiếu, đói thuốc. Hội chứng này xuất hiện khi vì bất kỳ lý do nào đó ngưng sử dụng ma túy mà trước đó đã sử dụng với số lượng nhiều hay trong thời gian kéo dài. Khi đó người nghiện sẽ có cảm xúc không ổn định: lo lắng, bất an, buồn bã, cáu gắt, giận dữ đến hung dữ...; đau nhức cơ; nổi da gà, giãn đồng tử; chảy nước mắt; nôn – buồn nôn; tiêu chảy; ngáp rất nhiều, liên tục; cảm giác dòi bò trong xương; rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, vã mồ hôi, trụy tim mạch có thể tử vong; rối loạn tâm thần như: mê sảng, kích động hành vi, vùng vẫy, la hét, tự sát...
Việc nhận diện người nghiện ma túy không khó: tiều tụy, dơ bẩn, da sạm đen, sún răng, nhiều hình xâm quái dị, hành vi đáng ngờ, mắt lấm lét, láo liên... Nhưng trong thời gian đầu và có đủ thuốc thì rất khó nhận biết...
Điều trị cai nghiện
Nhanh chóng đưa người nghiện ra khỏi hội chứng cai. Vì đây là giai đoạn khổ sở nhất của người nghiện do các triệu chứng thiếu thuốc mang lại. Sự đau đớn về thể xác và tinh thần mãnh liệt đến mức người nghiện có thể làm bất cứ điều gì để có thuốc. Tốt nhất nên đưa người nghiện đến cơ sở điều trị cai nghiện Nhà nước có đầy đủ phương tiện giúp họ nhanh chóng cắt được cơn.
Việc thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là vấn đề hậu cai (giai đoạn điều trị tiếp theo sau khi cắt cơn để phòng ngừa tái phát). Đây là một công việc quan trọng, phức tạp, cần thiết phải điều trị lâu dài, có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Đòi hỏi nhiều nỗ lực của cá nhân người nghiện, sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình và xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện ma túy vượt qua chính mình để tái hòa nhập cộng đồng. Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện ma túy như: nhóm đồng đẳng, hội bạn giúp bạn trong điều trị hậu cai nghiện ma túy là điều cần thiết được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn.
Cách nhận biết sớm trẻ đang sử dụng ma túy Theo một số nhà tâm lý y- xã hội học, các biểu hiện gợi ý sau đây có thể nghĩ nhiều đến việc trẻ sử dụng ma túy : Có biểu hiện xài tiền quá nhu cầu cần thiết dưới mọi hình thức như: xin tiền đóng học phí, sửa xe, mua quần áo, dụng cụ học tập, tiệc tùng – liên hoan bè bạn ... mà trước kia không có hoặc rất ít. Giảm sút kết quả học tập, lơ là việc học trong thời gian ngắn mà không có lý do cụ thể. Thay đổi một số thói quen tốt trước đây như thức khuya học bài chuyển sang ngủ sớm dậy trễ; sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp sang dơ bẩn, cẩu thả. Hút thuốc, tập tành uống rượu, thường xuyên ra quán cà phê, đi nhảy đầm mà trước kia không có. Giảm hoặc bỏ các sở thích trước kia như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, truy cập internet... Thay đổi tính nết so với trước kia: thường xuyên cáu gắt, giận dữ vô cớ, ít tiếp xúc người thân, hỗn láo với cha mẹ, anh em nhất là sau khi không vòi được tiền. Thay đổi nhóm bạn so với trước kia mà nhóm bạn sau có những hành vi đáng ngờ: lấm lét, không vào nhà mà hẹn ngoài ngõ, quán cà phê... Ra khỏi nhà vào những giờ giấc khá cố định nhất là lúc đi lờ đờ lúc về lanh lợi, hoạt bát. Sự xuất hiện hội chứng cai như đã mô tả ở trên. |
Bình luận (0)