xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẵn sàng 2 kịch bản ứng phó dịch Covid-19

NGỌC DUNG

Trong cả 2 kịch bản, tình huống chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế đưa ra, vắc-xin vẫn là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong

Bộ Y tế vừa xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững khi số ca mắc mới, ca nặng và tử vong đang giảm từng ngày. Bộ Y tế sẽ sớm công bố các tình huống ứng phó dịch Covid-19 trong năm 2022-2023 sau khi xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Lường định mức độ dịch

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10,6 triệu ca mắc, hơn 9,2 triệu người đã khỏi bệnh (chiếm 86,2% số ca mắc) và hơn 43.000 ca tử vong (chiếm 0,4%). Thời gian gần đây, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố giảm từng ngày, với dưới 5.000 ca mắc/ngày và chỉ ghi nhận từ 1 - 3 trường hợp tử vong. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 trên người dân tại Việt Nam rất cao. Cụ thể, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 99,8%, mũi 3 đạt 49%.

Trên cơ sở kế hoạch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Tình huống 1: Chủng virus tiếp tục tiến hóa nhưng nhờ cộng đồng đã có miễn dịch nên số ca nặng và tử vong giảm dần.

Với tình huống này, vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn; tăng cường giám sát dịch tễ phát hiện biến chủng mới; duy trì đánh giá cấp độ dịch và biện pháp cần thiết. Căn cứ tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu chuyển biện pháp chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Ở phương án này, Bộ Y tế đề xuất người mắc Covid-19 không triệu chứng có thể tham gia một số hoạt động xã hội.

Tình huống 2: Việt Nam sẽ xuất hiện biến chủng virus mới có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng và tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Theo phương án này, Bộ Y tế phối hợp với WHO, nhà sản xuất để cập nhật các loại vắc-xin mới nhất. Nhóm dân số nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền mạn tính... được tiêm mũi vắc-xin tăng cường. Các đơn vị tập trung giám sát dịch bệnh, giải trình tự gien để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có đặc điểm bất thường. Nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện linh hoạt, theo quy mô và phạm vi hẹp nhất. Công thức 5K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + biện pháp khác được áp dụng linh hoạt. Tùy theo tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương, sẽ lập cơ sở điều trị Covid-19 phù hợp.

Sẵn sàng 2 kịch bản ứng phó dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh tại TP Hà Nội Ảnh: Ngô Nhung

Cần có cách tiếp cận mới

Bộ Y tế cập nhật trong ngày 3-5, cả nước ghi nhận 2.709 ca nhiễm mới, giảm 413 ca so với ngày 2-5. Trong ngày, có 1.825 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, không có ca tử vong.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới với Covid-19 và do vậy, việc đưa 2 kịch bản ứng phó dịch Covid-19 nêu trên là phù hợp với bối cảnh dịch hiện nay. "Với bất cứ kịch bản dự phòng chống dịch nào thì cả hệ thống cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng phó về y tế, nhân lực khi dịch có những thay đổi bất ngờ. Đồng thời, tiếp tục chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả" - PGS Phu nhấn mạnh.

Ông Phu lưu ý thêm Việt Nam cần theo dõi diễn biến dịch trên thế giới, theo sát khuyến cáo của WHO để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời. Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 khác với nhiều virus gây dịch bệnh khác. Đặc biệt, miễn dịch ở người đã mắc Covid-19 sẽ giảm sau vài tháng, đồng thời vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Trong dự phòng cá nhân, việc thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm vẫn là việc quan trọng để phòng bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm không chỉ Covid-19 mà còn các bệnh truyền nhiễm khác.

Một số chuyên gia vẫn cho rằng kể cả khi dịch Covid-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn cần chú ý tới các nhóm yếu thế. Tức là phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương khi họ mắc Covid-19.

"Với Covid-19, cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết. Trên thực tế, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải được công bố dịch. Với Covid-19, khi chúng ta chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. Tuy nhiên, khi chuyển Covid-19 sang nhóm B thì các chính sách phải được xây dựng phù hợp vì loại bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp" - PGS Phu góp ý. 

Đến lúc xem Covid-19 là bệnh lưu hành

Từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nêu quan điểm Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiến tới "bình thường hóa" với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, bệnh lưu hành.

Bộ Y tế cho biết một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Chẳng hạn, Indonesia quy định để coi Covid-19 là bệnh lưu hành, tỉ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỉ lệ dương tính phải dưới 1% dân số. Còn ở Thái Lan, từ ngày 1-7, nước này sẽ coi Covid-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỉ lệ này là gần 0,2%). Với việc xem Covid-19 là bệnh lưu hành, Thái Lan sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh. WHO nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo