Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận được 3 ca nhiễm cúm gia cầm tại các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bình Dương, trong đó 2 trường hợp ở Kiên Giang và Sóc Trăng đã tử vong. TPHCM tuy chưa có ca nhiễm nào nhưng các ban - ngành đang gấp rút triển khai kế hoạch dự phòng.
Theo BS Lê Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế TPHCM), ngày 14-2, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng TP, các quận - huyện, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe… nhằm triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1. Mới đây, thực hiện các công điện, chỉ thị, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM, Bộ Y tế, Sở Y tế TP đã xây dựng thêm bản kế hoạch chi tiết về phòng chống dịch. Theo đó, công tác này tại TPHCM xoáy vào 4 mục tiêu: Không để cúm A/H5N1 xảy ra trên địa bàn TP; tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm bệnh; tăng cường năng lực hệ thống điều trị; chuẩn bị nguồn lực để ứng phó khi có dịch.
Về mặt điều trị, 5 bệnh viện (BV) chủ lực của TPHCM đã được huy động để chuẩn bị khu vực cách ly, bảo đảm số giường là Bệnh nhiệt đới (50 giường), Nhi Đồng 1 (20 giường), Nhi Đồng 2 (20 giường), Phạm Ngọc Thạch (30 giường), Nhân dân 115 (20 giường). Các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cũng được chỉ đạo tổ chức ít nhất 2 tổ điều trị cơ động ở mỗi BV để hỗ trợ các tỉnh phía Nam khi có ca dương tính với cúm A/H5N1. Mỗi quận - huyện cũng thành lập 2 tổ điều trị cơ động với nhiệm vụ xử lý ban đầu khi có ca nghi ngờ nhiễm tại địa phương. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và các BV lớn tiến hành tập huấn cho các đơn vị khác về công tác phòng chống dịch và điều trị. Sở Y tế TP cũng có kế hoạch phối hợp với Viện Pasteur, Viện Vệ sinh – Y tế công cộng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Chi cục Thú y, Cụm Cảng Hàng không miền Nam… để thực hiện toàn diện công tác phòng dịch.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết: “BV luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, thực hiện các xét nghiệm có liên quan và luôn có sẵn nhân lực, vật lực để trực chiến 24/24 giờ. Sự chuẩn bị này đã được triển khai từ đầu năm, mọi trang thiết bị đã được Sở Y tế TP cung cấp đầy đủ. Trước đó, vào các ngày 29 và 30-12-2011, BV cũng phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tập huấn cho các BV ở TPHCM và khu vực phía Nam”.
Theo ThS-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, BV này đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc cần thiết và phương án bố trí bệnh nhân cúm A/H5N1 khi có dịch. Theo đó, một số giường bệnh sẽ được sắp xếp lại và bệnh nhân cúm A/H5N1 được điều trị tập trung ở một khu vực cách ly riêng. “Là một BV chuyên khoa lao, phổi, bệnh đường hô hấp, chúng tôi đã nhiều lần cùng TP ứng phó với dịch cúm A/H5N1 và các dịch bệnh tương tự nên cũng không có gì lúng túng nếu dịch bùng phát”.
Bình luận (0)