Bộ Y tế vừa có Công văn số 4441/BYT-BMTE về việc tăng cường công tác chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, hiện nay, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số tỉnh/thành phố, diễn biến phức tạp, thực tế đã và sẽ tiếp tục có những trường hợp phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 mang thai và sinh con.
3 thai phụ mắc Covid-19
Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ; xử trí bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở y tế.
Đối với các BV, cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa phải tổ chức phân luồng, khám sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát phụ nữ có thai nghi nhiễm SARS-CoV-2 đến khám ngay tại nơi đón tiếp; khi có dấu hiệu nghi ngờ thì chuyển vào khu khám cách ly. Bố trí phòng sinh riêng cho phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi mắc Covid-19; rà soát và tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong BV.
Với các trường hợp phụ nữ có thai dương tính với SARS-CoV-2 khi có dấu hiệu chuyển dạ cần phải phối hợp với cơ sở sản khoa để bảo đảm sinh đẻ an toàn, chăm sóc mẹ và con phù hợp tình hình thực tế. Trong trường hợp cần thiết, liên hệ ngay với các BV được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa các khu vực để được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.
Bộ Y tế yêu cầu các BV được bộ phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa thành lập và duy trì kíp hỗ trợ gồm đầy đủ các chuyên khoa: sản khoa, sơ sinh, gây mê - hồi sức để sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở cách ly tập trung và các BV tuyến dưới khi cần thiết.
Trước đó, ngày 3-8, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng về việc chăm sóc, theo dõi và xử trí phụ nữ mang thai nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh có 2 thai phụ tại đây vừa được phát hiện mắc Covid-19. Đó là bệnh nhân 495 (mang thai 11 tuần) và bệnh nhân 569 (mang thai 35 tuần), đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đây là những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian mang thai được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam. Tối 15-8 vừa qua, sản phụ (bệnh nhân 569) đã được các thầy thuốc mổ lấy thai thành công khi thai nhi ở tuần tuổi thứ 39. Sau ca mổ, hai mẹ con sức khỏe ổn định và hiện đã được xuất viện.
Ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ mắc Covid-19 Ảnh: BỘ Y TẾ
Thai phụ chủ động phòng dịch Covid-19
Theo bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh.
Người ta cũng không tìm thấy SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ. Bên cạnh đó, chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng sẩy thai, nhưng cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi, trẻ sơ sinh...
Do vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi.
Bác sĩ Tuấn lưu ý phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. "Khi cần thiết phải ra khỏi nhà thì cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân, giữ khoảng cách, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… Thai phụ có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm virus" - bác sĩ Tuấn khuyên.
Trong bối cảnh dịch bệnh, thai phụ chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thầy thuốc, trừ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra. Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết, vì khi siêu âm có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn. Khi đến khám, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m với những người xung quanh.
Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản.
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...
Bình luận (0)