Cá ngừ, cá kiếm, tôm hùm chứa hàm lượng thủy ngân cao. Ảnh: Huffington Post
Edward Groth - Tiến sĩ khoa học sức khỏe môi trường cho biết: “Mức độ tiếp xúc thủy ngân được cho là an toàn như hiện nay thực sự có tác dụng phụ”.
Một trong các báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng “hàng ngày” các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao có thể gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em và thai nhi ở phụ nữ mang thai.
Theo báo cáo, khoảng 70% hải sản có chứa “mức thấp của thủy ngân” và có thể ăn thường xuyên.
Cá tuyết, cá hồi, cá tuyết chấm đen, cá trích và cá mòi được coi là loại cá có mức thủy ngân thấp. Tôm cũng được cho là có hàm lượng thủy ngân thấp. Ngược lại, cá kiếm, cá ngừ và tôm hùm được cho là có nồng độ thủy ngân thường vượt quá mức an toàn.
Theo Quỹ Động vật Hoang dã Quốc gia Mỹ, thủy ngân có thể tác động làm thay đổi các hệ thống thần kinh và sinh sản của con người và động vật hoang dã.
Tuy nhiên, các tác giả của bản báo cáo mới nhấn mạnh rằng họ không cố gắng thuyết phục mọi người ngừng ăn cá. Trong thực tế, họ đồng ý rằng cá có thể rất có lợi cho sức khỏe của một người. Bởi theo Viện Thủy sản Quốc gia, mỗi năm có đến 840.00 người Mỹ chết do thiếu omega-3 - một loại acid béo tìm thấy nhiều trong cá.
Giải pháp dành cho mọi người không phải là ngừng ăn hải sản. Thay vào đó, cộng đồng quốc tế cần phải giảm và nếu có thể, nên chung tay hạn chế ô nhiễm thủy ngân trong môi trường nhằm giảm nồng độ thủy ngân trong cá.
Mức độ thủy ngân ở Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2050, nếu xu hướng ô nhiễm hiện tại tiếp tục không suy giảm.
"Nếu chúng tôi tiếp tục làm ô nhiễm biển như hiện nay, thì ngày càng khó khăn hơn để tìm thấy hải sản an toàn", Philippe Grandjean - giáo sư tại Trường Đại học Y Harvard (Mỹ) - Hiệu trưởng Đại học Y tế môi trường tại miền Nam Đan Mạch nói.
Bình luận (0)