Đông trùng hạ thảo (ảnh), vị thuốc mà mùa đông là con sâu, mùa hè thành cây cỏ, thường được tìm thấy trong những vùng rừng ẩm ướt ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Khang, Tây Tạng của Trung Quốc.
Sở dĩ có chuyện lúc là sâu lúc lại thành cây cỏ vì đông trùng hạ thảo là một giống nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loài sâu thuộc họ cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau.
Vào mùa đông, con sâu non nằm sâu dưới lòng đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất làm cho nó chết. Đến mùa hạ, nấm sinh trưởng, mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Để làm thuốc, người ta đào đất lấy tất cả xác sâu và nấm.
Ở các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình của nước ta cũng có một thứ được gọi là đông trùng hạ thảo và cũng được rất nhiều người mua về dùng. Đấy thực chất chỉ là con sâu chít, thuộc họ cánh bướm, sống trong thân cây lau.
Mặc dù cũng được gọi là đông trùng hạ thảo nhưng sâu chít không phải là vị thuốc quý như đông trùng hạ thảo của Trung Quốc, mà chỉ là thứ dân gian thường dùng để xào nấu với trứng, ăn cho bổ. Đối với y học cổ truyền, đông trùng hạ thảo có tính ôn, vị ngọt, mùi thơm; có tác dụng ích phế, bổ thận, bổ tinh tủy...
Để bồi bổ cho người già yếu thì dùng một con vịt già vặt lông, moi bỏ ruột gan; bổ đôi đầu vịt, cho 15 con đông trùng hạ thảo vào, lấy lạt buộc lại. Nhồi đầu vịt vào bụng, thêm gia vị cho vừa rồi hầm nhừ.
Đối với những người bị ung thư giai đoạn cuối, người yếu mệt, đau mỏi thì cho ăn đông trùng hạ thảo hầm với chim bồ câu ra ràng mỗi tuần một lần. Mỗi lần dùng 10 con đông trùng hạ thảo cho vào bụng chim bồ câu đã làm sạch lông, bỏ phủ tạng, gia vị vừa ăn, hầm nhừ.
Bình luận (0)