Cấp phép “thoáng”
Theo công bố của Cục ATVSTP, trong hàng trăm loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc đang lưu hành tại VN chỉ có 11 loại sữa được cấp phép lưu hành, trong đó 3 loại sữa nguyên liệu, 6 loại sữa tiệt trùng và 2 loại sữa bột. Trong khi đó, một công ty lớn như Hanoi Milk đã nhập về 375 tấn sữa bột nguyên liệu từ Trung Quốc hồi đầu năm 2008 do chính Cục ATVSTP cấp chứng nhận lại không có tên trong danh sách 11 đơn vị có nhập khẩu sữa và nguyên liệu sữa từ Trung Quốc.
Một vấn đề khác là việc Công ty Hoàng Lâm (Hà Nội) nhập khẩu 42 tấn nguyên liệu sữa bột của Trung Quốc vào đầu năm 2008. Mặc dù yêu cầu bắt buộc phải có chứng nhận ATVSTP trước khi bán hàng nhưng đã gần 9 tháng sau khi xin giải tỏa hàng, thậm chí hàng cũng đã bán hết, Công ty Hoàng Lâm vẫn không có chứng nhận ATVSTP cho số hàng nói trên.
Hiện tượng “thoáng” của Cục ATVSTP trong việc cấp phép không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sữa mà còn phải kể đến hàng ngàn loại thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường VN. Những sai sót này lộ rõ khi Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc và lôi ra 215/459 hồ sơ thực phẩm chức năng do Cục ATVSTP cấp phép lưu hành (từ năm 2006 đến tháng 9-2007) có thiếu sót về thủ tục. Ngay sau sự kiện này, ông Trần Đáng, lúc đó giữ cương vị cục trưởng Cục ATVSTP, thừa nhận có những sai sót về chuyên môn hoặc quy định trong quá trình duyệt cấp hồ sơ, tuy nhiên, lỗi này là do cục... thiếu người!
Sẽ thay đổi phương pháp quản lý
Phát biểu trước báo giới, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, thừa nhận những khiếm khuyết trong vấn đề quản lý, cấp phép. Ông Khẩn cho biết Cục ATVSTP sẽ có báo cáo rút kinh nghiệm và tăng cường các biện pháp tiền kiểm, hậu kiểm và các biện pháp khác trong vấn đề quản lý các công ty nhập khẩu sản phẩm thực phẩm nói chung.
Về phía lãnh đạo Bộ Y tế, TS-Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định sẽ có một cuộc “đại phẫu” cơ chế quản lý thực phẩm có nguy cơ cao tại Cục ATVSTP để đạt được mức độ chặt chẽ như quản lý thuốc. Bởi rõ ràng cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm đối với các mặt hàng thực phẩm hiện còn nhiều bất cập. Với cách làm như hiện nay, chất lượng thực phẩm hầu như bị thả nổi.
Ông Quang nhấn mạnh Bộ Y tế đang quyết liệt sắp xếp lại bộ máy hoạt động của Cục ATVSTP, từ quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ đến cấp phép. Sẽ không còn tình trạng chỉ 1-2 chuyên viên của Cục ATVSTP xem xét hồ sơ rồi tự ra quyết định. Sẽ phải thành lập hội đồng có các chuyên gia thẩm định và Cục ATVSTP cấp phép cho mỗi sản phẩm phải dựa trên những ý kiến tư vấn.
Theo ông Quang, ngay trong tháng 10 này, Cục ATVSTP phải trình được phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý các vấn đề về thực phẩm.
Khoảng 3 tuần tới mới hoàn tất xét nghiệm melamine Một số sản phẩm không đạt hàm lượng protein Chiều 30-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết Bộ Y tế vừa có cuộc họp với các viện nghiên cứu và đề nghị các đơn vị này nếu có đủ điều kiện thì tiến hành xét nghiệm melamine để giảm tải cho các trung tâm kiểm nghiệm thuộc Bộ Y tế. Hiện các phòng xét nghiệm đã nhận trên 500 mẫu sữa và sản phẩm từ sữa do các doanh nghiệp và cơ quan chức năng gửi tới. Theo ông Quang, trong vòng 2-3 tuần tới, các phòng xét nghiệm chất melamine phải tiến hành xét nghiệm xong 100% các mẫu gửi xét nghiệm. . Cùng ngày, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết đã có thêm 70 sản phẩm được xác định không phát hiện melamine. Số lượng mẫu thử nghiệm hàm lượng melamine bao gồm 32 mẫu sữa và 38 mẫu sản phẩm từ sữa: kẹo, bột ngũ cốc, bánh sữa các loại, chocolate, bột kem làm bánh... Đáng chú ý là một số sản phẩm sữa đóng gói dùng cho trẻ em và người già do Hội Người tiêu dùng mua mẫu ngoài thị trường tuy không phát hiện có melamine nhưng lại không đạt hàm lượng protein theo quy định. Theo kết quả xét nghiệm, có thể doanh nghiệp pha thêm bột whey hay bột kem không sữa thay vì sử dụng sữa bột nguyên kem hoặc sữa bột gầy. |
Triệu chứng khi nhiễm độc melamine Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM nhận được nhiều thắc mắc của phụ huynh có con nhỏ đang uống các loại sữa được bán trên thị trường về vấn đề melamine và bệnh thận ở trẻ em. Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết người bị nhiễm độc melamine có thể có những triệu chứng sau: kích thích, tiểu ra máu, tiểu ít hoặc không tiểu được, các dấu hiệu nhiễm trùng tiểu, cao huyết áp và về lâu dài sẽ dẫn đến suy thận. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM, phác đồ điều trị căn bệnh sạn thận và sỏi thận ở trẻ hoàn toàn giống với phác đồ điều trị các bệnh về sỏi thận thông thường khác. Quá trình và thời gian điều trị phụ thuộc vào lượng melamine đã được hấp thu trong cơ thể trẻ. Với những sạn thận nhỏ, có thể cho trẻ dùng thuốc để đẩy quá trình đi tiểu nhằm đào thải sạn ra khỏi thận và bàng quang. Nếu ở thể nặng, có thể dùng biện pháp siêu âm để tán sỏi. N.Phương |
Bình luận (0)