Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần có thêm từ 2.000 – 3.000 ca mắc mới sốt xuất huyết. Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại TP HCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014. Dịch sốt xuất huyết cũng đang gia tăng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hà Nội, dịch bệnh này đã có mặt tại tại 30/30 quận, huyện với hơn 3.000 trường hợp mắc.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Báo Người Lao Động phối hợp với Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến về “Ứng phó dịch sốt xuất huyết tăng bất thường” nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc nhận diện các biện pháp phòng chống và điều trị hiệu quả với bệnh sốt xuất huyết.
Các chuyên gia tham gia buổi tư vấn trực tuyến gồm:
- PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
- BS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm,Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
- BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1
- BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM
Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 11 giờ ngày 7-10, với tất cả các câu hỏi của bạn đọc đã được bác sĩ giải đáp cặn kẽ. Các chuyên gia hy vọng phần trả lời sẽ giải tỏa được thắc mắc, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về dịch bệnh sốt xuất huyết cho bạn đọc đồng thời mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu trực tuyến để đáp ứng nhu cầu thông tin về phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Duyên Trương
09:24 ngày 07/10/2015
Sốt xuất huyết ban đầu khác với sốt thường điểm nào? Làm sao để nhận biết được sớm nhất để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời?
Sốt xuất huyết là bệnh có sốt và xuất huyết. Ban đầu, bệnh nhân đột ngột sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau khắp mình mẩy, đau các khớp, đau vùng gan, sau đó có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt có thể sớm hoặc kéo dài, nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết nội tạng. Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện điển hình, có rất nhiều trường hợp chỉ có biểu hiện sốt. Người dân không nên phân biệt bệnh nào là sốt xuất huyết, bệnh nào là sốt thường mà khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà, dễ gây diễn biến nặng và có thể tử vong do được điều trị muộn.
Khanh
09:37 ngày 07/10/2015
Thưa ông Phu, xin ông cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay ra sao và những ứng phó của ngành y tế với tình hình dịch?
Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa rất nhiều thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay tại Việt Nam có hơn 43.000 trường hợp mắc, 28 trường hợp tử vong, số mắc chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân có sự gia tăng là do dịch bệnh có tính chất chu kỳ. Bệnh sốt xuất huyết có chu kỳ dịch 4- 5 năm/lần. Đỉnh dịch giai đoạn qua là năm 2010 với 128.710 trường hợp mắc, 109 tử vong và năm 2014 là năm có dịch thấp nhất, trên 30.000 trường hợp mắc. Nếu so sánh về số mắc của năm 2015 mặc dù cao hơn năm 2014 (năm có số mắc thấp nhất trong vòng 30 năm qua) nhưng vẫn thấp hơn số mắc của những năm 2013 trở về trước. Sự gia tăng các trường hợp bệnh trong năm nay cũng nằm trong xu hướng dịch tăng mạnh tại các nước trong khu vực, ví dụ Malaysia (với dân số 26 triệu người) nhưng đã có 85.000 trường hợp mắc và tử vong 234 người, Philippines 65.000 trường hợp mắc, 193 trường hợp tử vong.
Hiện nay sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, các hoạt động phòng bệnh chủ yếu tập trung vào vận động người dân loại trừ vecto truyền bệnh và loại trừ các ổ sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đồng thời tổ chức giám sát, phát hiện các ổ dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi mang mầm bệnh để xử lý ổ dịch. Các hoạt động đã được triển khai sớm ngay từ đầu vụ dịch, vào tháng 4 – 2015 đồng thời các hoạt động cũng được triển khai rất quyết liệt tại các địa phương nhằm hạn chế thấp nhất số mắc, tử vong do dịch bệnh này.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo UBND các cấp, các bộ ngành về việc tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ngành y tế cũng đã tích cực triển khai các hoạt động với chức năng tham mưu cho các cấp chính quyền triển khai các hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt đã thành lập 10 đoàn kiểm tra, hướng dẫn tại 20 tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch tăng cao nhằm giảm tỉ lệ mắc, tử vong, cũng như các hoạt động về truyền thông và huy động các cấp tham gia vào công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả nhất để hạn chế sự gia tăng của dịch bệnh.
Nguyễn Liêm
09:40 ngày 07/10/2015
Người bệnh sốt xuất huyết có kiêng cử gì không lúc bị ốm không? Có những món gì không nên ăn trong lúc bị sốt ạ? Lúc em gái em bị sốt, ba mẹ bắt kiêng cử nhiều món, làm vậy có đúng không?
Người bệnh sốt xuất huyết không phải kiêng cữ gì, không kiêng ăn, không kiêng tắm. Trong thời gian bị bệnh, người bệnh cần ăn uống đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và đồng thời bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất để làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Hoàng Châu
09:48 ngày 07/10/2015
Theo đánh giá của Bộ Y tế thì người dân vùng dịch đã thực sự hiểu về cách phòng chống căn bệnh này hay chưa? Các hộ gia đình, các bậc cha mẹ thường mắc sai lầm gì trong phòng chống dịch sốt xuất huyết tại gia đình?
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh có từ Việt Nam những năm 1950 và đã trở thành bệnh lưu hành tại nước ta với số mắc từ 50.000- 100.000 trường hợp/năm. Đặc biệt, năm 1987 đã có trên 300.000 trường hợp mắc và trên 1.500 người tử vong. Hiện nay, do đẩy mạnh công tác truyền thông nên nhiều người dân đã hiểu về nguyên nhân của dịch bệnh là do muỗi truyền bệnh và cũng đã có ý thức phòng chống. Tuy vậy, qua thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một bộ không nhỏ người dân chưa hiểu được loại muỗi truyền bệnh cũng như nơi sinh sản của loại muỗi này. Ví dụ, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn thường đẻ ở môi trường nước trong có ở các vật phế thải chứa nước mưa như: Vỏ hộp, chai lọ, lốp xe, chậu hoa, vỏ quả dừa... hoặc các bình hoa chứa nước thờ cúng trong nhà hoặc ngoài trời... Tuy nhiên, nhiều người cứ cho rằng muỗi truyền sốt xuất huyết chỉ ở các cống rãnh, ao hồ, ao tù nước đọng nên không có ý thức loại bỏ các nguồn truyền bệnh trên.
Bên cạnh đó cũng rất đáng lưu ý có một bộ phận không nhỏ người dân hiểu biết về bệnh, đường lây truyền song không chịu hợp tác với nhân viên y tế trong việc phòng bệnh như: Loại bỏ các dụng cụ phế thải xung quanh nhà còn vứt bừa bãi. Những dụng cụ này khi có nước mưa sẽ là ổ truyền bệnh rất nguy hiểm. Ngày 6-10, chúng tôi cũng tham gia đoàn kiểm tra tại TP HCM và thấy còn nhiều công trình xây dựng có nhiều bể ngầm chứa nước, đây chính là ổ bệnh. Qua thống kê của Hà Nội và TP HCM, trong đợt phun hóa chất phòng bệnh, còn khoảng vài chục phần trăm số gia đình không hợp tác trong việc phun hóa chất phòng bệnh.
Về việc điều trị cũng còn một số gia đình có bệnh nhân khi bị sốt đã không đến cơ sở y tế ngay mà qua các hệ thống khám bệnh tư do đó không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đến khi bệnh trở nặng mới đến cơ sở y tế gây khó khăn trong việc điều trị. Thực tế có những trường hợp đã tử vong do không điều trị kịp thời, trong khi sốt xuất huyết diễn biến từ nhẹ sang nặng có thể rất nhanh.
Nguyễn Duyên
09:52 ngày 07/10/2015
Thưa Bộ Y tế, tôi thấy khi điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ thường nói về hạ tiểu cầu, xin giải tiểu cầu là gì? Vì sao hạ tiểu cầu lại nguy hiểm?
Tiểu cầu là một thành phần của máu tham gia vào quá trình đông máu. Khi được kích hoạt, tiểu cầu kết dính với nhau tại vị trí thành mạch máu bị tổn thương, tạo nút chặn tại chỗ để cầm máu. Tiểu cầu trung bình trong máu của một người khoẻ mạnh vào khoảng 150.000 đến 450.000 mỗi mml3 máu. Người bệnh được coi là giảm tiểu cầu trong máu khi lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000. Mức nguy hiểm trong giảm tiểu cầu là xuống dưới 50.000. Hạ xuống dưới mức này, người bệnh rất dễ bị xuất huyết nặng.
Ngọc Minh
09:57 ngày 07/10/2015
Thưa PGS-TS Trần Đắc Phu, ông từng cho rằng cần phạt người không phối hợp chống bệnh sốt xuất huyết. Điều này xem ra hợp lý nhưng làm thế nào để xử phạt? Như chuyện phòng chống thuốc lá, đến nay ngành y tế cũng hầu như không thể nào xử phạt nổi.
Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ không phải của riêng ngành y tế mà của cả cộng đồng. Căn cứ vào nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có những nội dung xử phạt những người không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Trên thực tế, trong thời gian qua, để người dân có ý thức tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chúng tôi tập trung vào tuyên truyền, vận động. Tuy vậy, vẫn còn những người dân chưa thực hiện, chính vì vậy thời gian gần đây, TP HCM đã áp dụng việc xử phạt những người không hợp tác trong việc phòng chống dịch bệnh.
Việc xử phạt này do UBND các xã, phường thực hiện. Dù vậy, trong giai đoạn đầu vừa kết hợp việc vận động người dân là chính. Ví dụ, sau khi tuyên truyền vận động 2 lần, người dân không chấp hành sẽ bị xử phạt. Tôi cho rằng đây cũng là cách làm để cộng đồng có ý thức hơn nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Đây chỉ là bước triển khai đầu và TP HCM đang rút kinh nghiệm để dần thực hiện tốt việc xử phạt đảm bảo đúng quy định pháp luật đồng thời đạt được mục đích giúp người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Nguyễn Văn Hinh
09:59 ngày 07/10/2015
Chỗ tôi ở thường phun hóa chất trừ muỗi, nhà dân người ta cũng hay tự mua hóa chất về phun. Thưa các chuyên gia, hóa chất phun trừ muỗi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sống trong khu vực bị phun hóa chất hay không?
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu ở trên tường mà thường đậu ở quần áo, đồ vải và bay ra tìm người để đốt. Vì vậy, để diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, cần phun khí dung các hạt hoá chất cực nhỏ lơ lửng trong không gian bằng máy phun ULV chuyên dụng. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, việc phun hoá chất diệt muỗi cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người dân không nên sử dụng các hoá chất diệt muỗi không rõ nguồn gốc, không được cấp phép lưu hành của các cơ quan chuyên môn và không được hướng dẫn của ngành y tế.
Hoá chất diệt muỗi do ngành y tế sử dụng đều nằm trong danh mục được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng an toàn và đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Các hoá chất này cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế khảo nghiệm, đánh giá an toàn cho sức khoẻ. Tuy nhiên, trong thời gian phun hoá chất, người dân cần thu dọn, che đậy thực phẩm, thức ăn, nước uống, di chuyển người, gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực phun hoá chất, chỉ nên vào nhà sau 60 phút kể từ khi phun hoá chất. Trong thời gian có dịch, người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế để thực hiện việc phun hoá chất, đảm bảo 100% các hộ gia đình, 100% các tầng, 100% các phòng trong nhà được phun hoá chất để diệt triệt để đàn muỗi mang mầm bệnh, đồng thời thực hiện thường xuyên việc diệt loăng quăng, bọ gậy để không phát sinh đàn muỗi mới.
Trần Đình Tuấn
10:01 ngày 07/10/2015
Người ta hay lo về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nhưng tôi nghe nói người lớn cũng bị bệnh. Vậy sốt xuất huyết ở người lớn có nguy hiểm không, người lớn có nguy cơ mắc bệnh nhiều như trẻ em không?
Sốt xuất huyết do 4 chủng virus Dengue gây ra. Khi mắc một chủng virus sẽ có miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng không có miễn dịch với chủng khác. Vì vậy, mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu lúc nhỏ đã mắc bệnh thì khi lớn lên không còn mắc nữa và ngược lại, nếu lúc nhỏ chưa mắc thì khi lớn lên sẽ có nguy cơ mắc. Vì vậy, người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.
Sốt xuất huyết thường diễn biến nặng ở trẻ em do thể trạng và sức đề kháng thường yếu hơn người lớn.
Nguyễn Thắng
10:07 ngày 07/10/2015
Cháu năm nay 25 tuổi đang có thai 4 tháng, cách đây 3 tuần cháu bị sốt xuất huyết và đã điều trị khỏi. Bác sĩ nói quá trình điều trị sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi nhưng cháu vẫn rất lo lắng. Vây những thai phụ như cháu có cần một chế độ chăm sóc đặc biệt không thưa bác sĩ?
Mắc bệnh sốt xuất huyết trong thai kỳ được điều trị giống như người bình thường. Nếu có biểu hiện biến chứng nặng như sốc, xuất huyết, tổn thương tạng... thì phải được điều trị tại bệnh viện, nơi có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu, phối hợp các chuyên khoa nhiễm, hồi sức, sản khoa... Trường hợp của bạn đã được điều trị khỏi thì không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên lúc gần sinh, lúc chuyển dạ nếu có bị sốt nghi sốt xuất huyết thì phải theo dõi trẻ sinh ra vì bé có thể mắc sốt xuất huyết từ mẹ.
Nguyễn Văn Lâm
10:10 ngày 07/10/2015
Vừa rồi sau mấy đợt mưa to, triều cường lớn ở TP HCM, khu vực nhà tôi (quận Bình Thạnh) xuất hiện khá nhiều muỗi. Vậy bệnh sốt xuất huyết ở TP có đang tăng không? Tôi có hai con 4 và 6 tuổi nên khá lo, đó có phải là độ tuổi dễ mắc bệnh?
Trước đây, lứa tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết thường là ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi. Hiện nay, thực tế cho thấy người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, những người lớn là người nhập cư sống ở những vùng trước đây chưa có lưu hành bệnh sốt xuất huyết thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do họ chưa có miễn dịch với bệnh sốt xuất huyết. Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn hiện nay xấp xỉ 50:50.
Mưa và triều cường là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản và phát triển. Đặc biệt với nhiệt độ nóng ở khu vực phía Nam, càng làm rút ngắn thời gian chuyển từ trứng muỗi thành lăng quăng và muỗi (ở nhiệt độ trên 32 độ C, thời gian trung bình để trứng muỗi biến thành muỗi là 8 ngày, trong khi nếu không khí có nhiệt độ 20 độ C thì thời gian này có thể kéo dài nhiều tuần).
Do đó, gặp những điều kiện thời tiết như kể trên, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết chủ động, nhất là trong điều kiện hiện nay, mầm bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành nhiều trong cộng đồng.
Nguyễn Lệ Hoa
10:13 ngày 07/10/2015
Chào bác sĩ! Bệnh sốt xuất huyết khá quen thuộc, người thân của tôi, nhất là trẻ nhỏ, từng mắc bệnh này khá nhiều, nhưng có người chỉ sốt vài ngày rồi khỏe lại nhưng cũng có người phải nằm viện, bị co giật tay chân… Vậy tỉ lệ người mắc bệnh này bị biến chứng nặng có cao không? Làm sao để biết khi nào bệnh này trở nên nguy hiểm để kịp thời vào bệnh viện thưa bác sĩ?
Sốt xuất huyết đa số tự khỏi (giống nhiễm siêu vi). Tuy nhiên, có những trường hợp xuất hiện biến chứng sốc; rối loạn đông máu gây xuất huyết đường tiêu hóa, đường tiết niệu, sinh dục..., tổn thương tạng như tổn thương gan, não, thận, tim... Tỉ lệ này cũng không cao (dưới 3-5% tổng số các trường hợp sốt xuất huyết). Tuy nhiên, cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa người bệnh nhập viện kịp thời. Đó là khi người bệnh sốt trên 2 ngày, có biểu hiện đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi..., lúc này phải đưa ngay người bệnh tới bệnh viện dù cho trong đêm, không chờ tới sáng. Các bệnh viện luôn có bác sĩ trực cấp cứu 24/24.
Nguyễn Thị Minh Châu
10:14 ngày 07/10/2015
Thưa bác sĩ, con tôi mắc sốt xuất huyết, bắt đầu bị nổi chấm đỏ ở tay, chân và rất ngứa. Có cách nào để trị ngứa cho cháu không? Tôi có thể bôi xanh methylen hoặc dầu gió cho cháu bớt ngứa không?
Sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao liên tục và nổi chấm xuất huyết ở da, phần lớn không ngứa. Ở trẻ nhỏ, có thể bị phát ban khi mắc sốt xuất huyết, có thể kèm ngứa. Tuy nhiên, triệu chứng ngứa chỉ thoáng qua, không cần điều trị hoặc bôi thuốc gì. Lưu ý khi thấy trẻ sốt, phát ban thì không có nghĩa là trẻ không bị sốt xuất huyết nên phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Một số trường hợp người bệnh sốt xuất huyết qua giai đoạn phục hồi (ngày 6, 7 của bệnh trở đi) có thể xuất hiện ban phục hồi nổi đỏ ở hai tay, chân kèm ngứa. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ lành bệnh. Không bôi dầu nóng vì có thể gây tổn thương da mà không có tác dụng điều trị.
Lê Quỳnh Trang
10:15 ngày 07/10/2015
Cháu nhà tôi (bé trai, năm nay 8 tuổi) đã mắc sốt xuất huyết năm ngoái. Cháu bệnh khá nhẹ, chỉ điều trị ngoại trú. Vậy cơ thể của cháu có được miễn dịch với bệnh này không, thưa bác sĩ?
Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra. Virus này có 4 type huyết thanh là dengue 1, dengue 2, dengue 3, dengue 4 nên về lý thuyết, trẻ có thể bị sốt xuất huyết 4 lần. Bé chỉ có miễn dịch với type huyết thanh đã mắc nên chị không chủ quan khi lần sau trẻ bị sốt, vẫn có thể đó là sốt xuất huyết, phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Hồng Mận
10:17 ngày 07/10/2015
Tôi nghe nói một trong những dấu hiệu của bệnh này là “sốt cao khó hạ”, nhưng đây cũng là triệu chứng của một số bệnh khác. Vậy làm sao để phân biệt “sốt cao khó hạ” là bị sốt xuất huyết hay tay chân miệng, thủy đậu, sốt siêu vi…?
Câu hỏi chị đặt ra rất hay. Ngay cả bác sĩ cũng khó phân biệt được sốt cao khó hạ này là do sốt xuất huyết, tay chân miệng hay thủy đậu..., đặc biệt là 1-2 ngày đầu của bệnh. Tuy nhiên, thường trong bệnh sốt xuất huyết trẻ sốt cao liên tục đơn thuần, không kèm theo triệu chứng nào khác ngoại trừ ở trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng) có thể kèm triệu chứng ho, sổ mũi hoặc ói , tiêu chảy. Thường mặt trẻ xung huyết (mặt và mắt hơi nề đỏ) trong khi những bệnh khác thì có những triệu chứng đi kèm (ví dụ tay chân miệng có hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, miệng..., thủy đậu thì có mụn nước ở mặt, ngực, bụng gây ngứa...).
Ngoài ra trong sốt xuất huyết còn có xét nghiệm nhanh kháng nguyên NS1 có thể chẩn đoán sớm bệnh trong 1-2 ngày đầu. Tuy nhiên, kết quả âm tính thì cũng không loại trừ bệnh sốt xuất huyết nên chị phải đưa trẻ đi khám bệnh mỗi ngày, thậm chí sáng - chiều để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyễn Thuận An
10:18 ngày 07/10/2015
Tôi nghe mọi người nói rằng nếu đã bị sốt xuất huyết một lần rồi thì hiếm khi bệnh lại. Điều này đúng không bác sĩ?
Vi rút gây bệnh SXH có 4 type, y khoa đặt tên là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người mắc bệnh sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc lại bệnh sốt xuất huyết nếu ở lần nhiễm tiếp theo là một type khác so với lần mắc trước. Và thông thường, kinh nghiệm cho thấy, lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước đó.
Phạm Anh Thư
10:21 ngày 07/10/2015
Thưa bác sĩ Dũng, TP HCM hiện có chiến dịch gì để phòng sốt xuất huyết không? Nhà tôi ở Gò Vấp, dạo này bị muỗi “tấn công” khá nhiều nhưng không biết thông thường tỉ lệ muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết trong các loại muỗi nói chung có cao không?
Muỗi có thể lây truyền mầm bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes, còn được gọi là muỗi vằn. Quan sát loại muỗi này, chúng ta thấy có những vằn đen, trắng xen kẽ nhau trên, chân, cánh, thân hình và trên kim hút máu của muỗi. Những loại muỗi khác ở Việt Nam không có khả năng lây truyền mầm bệnh sốt xuất huyết.
Muỗi vằn chỉ sống trong nhà, đậu vào những vật dụng có mùi của con người như quần áo, chăn màng... và đẻ ở nơi chứa nước sạch. Vì thế, những vật chứa nước sạch trong hộ gia đình và các các dụng cụ chứa nước mưa là nơi lý tưởng để muỗi vằn sinh sản và phát triển.
Thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp chuyên môn và huy động cộng đồng thực hiện các giải pháp để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, vai trò của người dân là hết sức quan trọng trong việc loại trừ muỗi vằn, không để chúng sinh sản và phát triển.
Đối với ngành y tế và chính quyền địa phương, tổ chức vận động diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi và hiện nay đang đẩy mạnh việc xử phạt theo nghị định 176 của Chính phủ đối với các tổ chức cá nhân không thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng diệt muỗi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Vũ Viết Vinh
10:22 ngày 07/10/2015
Những nơi nào tại TP HCM có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều nhất? Bác sĩ vui lòng cho biết một số nguyên nhân gây bệnh để gia đình chúng tôi biết cách phòng tránh?
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Dengue. Virus này lây truyền từ người mắc bệnh sang người khác là do muỗi vằn hút máu của người bệnh rồi truyền sang cho người khác. Do đó, để phòng bệnh sốt xuất huyết, trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, chúng ta cần diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh không cho muỗi đốt.
Nguyễn Hùng
10:23 ngày 07/10/2015
Thông thường người bị sốt xuất huyết sẽ mắc bệnh trong bao nhiêu ngày thưa bác sĩ? Người bệnh có nên nghỉ học, nghỉ làm như khi bị tay chân miệng hay thủy đậu không?
Thông thường bệnh sốt xuất huyết diễn tiến đủ 7 ngày là khỏi bệnh. Một số trường hợp có thể kéo dài hơn nhưng hiếm. Nên nghỉ học, nghỉ làm để cơ thể được nghỉ ngơi, mau phục hồi.
Nguyễn Nhã Tiên
10:24 ngày 07/10/2015
Những vết nổi đỏ khi bị sốt xuất huyết ở vùng tay, chân thực tế là gì? Chúng có để lại dấu vết sau khi hết bệnh không và làm thế nào để phòng ngừa sẹo (nếu có)? Con gái tôi 10 tuổi đang mắc bệnh nên tôi rất lo, mong bác sĩ giải đáp giúp.
Khi bị bệnh sốt xuất huyết, có thể xuất hiện những nốt đỏ ở da là do hiện tượng xuất huyết dưới da. Đó là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu đi ra bên ngoài tụ phía dưới da, gây ra hiện tượng trên. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong vòng 5 đến 7 ngày, không để lại di chứng gì.
Trần Linh Tùng
10:24 ngày 07/10/2015
Làm thế nào để biết một người mắc sốt xuất huyết đã khỏi hoàn toàn?
Bệnh sốt xuất huyến thường diễn tiến đủ 7 ngày là khỏi bệnh. Lúc này người bệnh có cảm giác thèm ăn, khỏe lên, ngủ được, có thể kèm theo ban phục hồi ở tay, chân (những chấm xuất huyết li ti trên nền hồng ban, thỉnh thoảng xen kẽ những vùng da trắng không điểm xuất huyết, kèm ngứa). Xét nghiệm máu thì các chỉ số huyết học thường trở về bình thường, chỉ có số lượng tiểu cầu có thể còn thấp, sẽ trở về bình thường trong 1-2 tuần sau. Một số trường hợp bệnh có thể kéo dài hơn nhưng hiếm.
Trần Duyên Anh
10:25 ngày 07/10/2015
Nếu không có bảo hiểm y tế thì việc điều trị sốt xuất huyết có chi phí khoảng bao nhiêu?
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế tiến hành tại một số bệnh viện khu vực phía Nam năm 2006-2007, chi phí người dân cho việc điều trị sốt xuất huyết dao động từ 40 đến 130 USD tuỳ mức độ nặng nhẹ của bệnh. Đây chỉ là một phần chi phí của điều trị sốt xuất huyết, chưa kể đến rất nhiều các chi phí khác người dân không phải chi trả và các chi phí của Nhà nước để duy trì hoạt động của Bệnh viện. Để tránh gánh nặng kinh tế do bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Lê Thị Thạnh
10:28 ngày 07/10/2015
Nghe nói Viện Pasteur TP HCM đã phối hợp một hãng dược nghiên cứu vắc xin phòng SXH nhiều năm qua và đã thí nghiệm tại một số tỉnh miền Tây. Vậy đến nay kết quả như thế nào? Thử nghiệm lâm sàng trên người có an toàn không và bao giờ người dân mới được thụ hưởng loại vắc-xin phòng bệnh này ?
Theo thông tin chia sẻ của PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thì trong vòng hơn 20 năm, vắc-xin sốt xuất huyết đã được triển khai 23 nghiên cứu của cả 3 giai đoạn trên 17 quốc gia trên khắp thế giới, từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Mexico, Úc, Singapore, Malaysia đến những nước đang lưu hành dịch sốt xuất huyết ở châu Á và châu Mỹ La tinh.
Riêng giai đoạn III của vắc-xin sốt xuất huyết, có tổng cộng 10 quốc gia cùng lúc tham gia bao gồm 5 quốc gia ở châu Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) và 5 quốc gia ở châu Mỹ La tinh (Columbia, Honduras, Brazil, Puerto Rico và Mexico) thực hiện nghiên cứu trên trẻ em khỏe mạnh từ 2 đến 16 tuổi.
Nghiên cứu giai đoạn III của vắc-xin sốt xuất huyết khu vực Châu Á (trong đó có Viện Pasteur TP HCM) kéo dài hơn 6 năm, kể từ năm 2011. Hiện nay, đã hoàn tất hoạt động tiêm vắc-xin và đã đánh giá được hiệu quả và tính an toàn trong vòng 1 năm sau khi tiêm vắc-xin và tiếp tục nghiên cứu theo dõi để đánh giá hiệu quả và tính an toàn dài hạn của vắc-xin thêm 4 năm nữa.
Kết quả nghiên cứu giai đoạn III ở châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy hiệu quả vắc-xin sốt xuất huyết ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca sốt xuất huyết nhập viện và 93% ca sốt xuất huyết nặng.
Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca sốt xuất huyết nhập viện và 67% ca sốt xuất huyết nặng. Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu - 5 năm sau khi tiêm vắc-xin - để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng nhằm đảm bảo đánh giá được một vắc xin thực sự hiệu quả và an toàn cao.
Trên cơ sở đăng ký của nhà sản xuất, các quốc gia sẽ xem xét, kiểm tra kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các giai đoạn về an toàn, hiệu quả của vắc-xin, gánh nặng bệnh tật của từng nước và chi phí hiệu quả khi tiêm vắc-xin để quyết định phê duyệt lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết.
Trần Thị Mỹ Duyên
10:29 ngày 07/10/2015
Hiện trên thế giới đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết hay chưa? Nếu chưa có thì cách phòng bệnh đặc hiệu nhất là gì thưa các bác sĩ?
Hiện nay vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết đang thử nghiệm ở giai đoạn thứ ba, đó là đang tiến hành thử nghiệm trên người tại thực địa. Nếu thành công, có thể đưa vào sử dụng trong cộng đồng trong 2, 3 năm tới.
Trong thời gian chờ có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác:
1. Diệt lăng quăng (bao gồm cả việc loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản và phát triển) hàng tuần: muỗi tuần người dân cần dành ra 10 -15 phút để diệt lăng quăng, dọn dẹp và loại bỏ những vật thải, dụng cụ có thể chứa nước không cần thiết. Đối với những dụng cụ chứa nước sinh hoạt cần được đậy kín để muỗi không thể chui vào đẻ trứng.
2. Diệt muỗi bằng nhiều cách khác nhau
3. Không cho muỗi đốt
Trần Thị Vân Anh
10:30 ngày 07/10/2015
Thưa BS Minh Tiến, tôi nghe nói bệnh sốt xuất huyết có giai đoạn nguy hiểm gọi là “vào sốc”, vậy làm cách nào để hạn chế tình trạng “vào sốc” này nếu lỡ đang bệnh? Trẻ em mắc sốt xuất huyết hay sốt rất cao, có khi dùng thuốc hạ sốt cũng không hết được, vậy sốt khoảng bao nhiêu độ thì nên đưa trẻ vào viện?
Đúng như chị nói là sốt xuất huyết có giai đoạn nguy hiểm là bệnh nhân vào sốc hoặc tổn thương tạng (tổn thương gan, thận, não, tim...). Cho đến nay khoa học chưa chứng minh được cũng như chưa tìm ra biện pháp ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bệnh nên uống nước nhiều hơn bình thường, có thể là nước đun sôi để nguội, nước trái cây (ví dụ như nước dừa, nước cam...) để giảm thiểu tình trạng cô đặc máu vì trong sốt xuất huyết có tình trạng tăng tính thấm thành mạch gây thất thoát huyết tương làm cô đặc máu.
Khi trẻ sốt cao, uống thuốc hạ sốt vẫn không hạ, chị có thể lau mát thêm cho cháu để giúp hạ nhiệt cơ thể. Dùng nước hơi ấm (dùng để tắm em bé) với 5 khăn nhỏ đắp ở hai bên bẹn, nách, khăn còn lại lau khắp mình. Ngưng lau mát khi nhiệt độ còn 38,5 độ.
Khi trẻ đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực mà vẫn không hạ (luôn luôn trên 39 độ C) thì chị nên cho cháu đến cơ sở y tế khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Nguyen Dung
10:32 ngày 07/10/2015
Thưa Bộ Y tế, tôi thấy hiện nay nhiều công trình xây dựng là nơi phát sinh muỗi và lăng quăng có thể là nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết. Vậy ngành y tế và chính quyền có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Hiện nay tốc độ xây dựng, đặc biệt tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp rất cao. Tại công trường, có nhiều bể chứa nước, nhiều khu vực đọng nước, nhiều vật liệu phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển. Tại các quốc gia khác, chủ đầu tư phải cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi sinh sản tại công trường và sẽ bị phạt rất nặng nếu vi phạm. Tại Việt Nam, việc phòng chống dịch bệnh tại các công trường, nhà máy, xí nghiệp cũng đã được quy định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và được quy định trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc thực hiện của các doanh nghiệp và các chủ đầu tư trong thời gian vừa qua chưa được thực hiện triệt để. Để các quy định này đi vào nề nếp nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và của chính quyền địa phương các cấp.
BS Nguyễn Trí Dũng: Riêng về vấn đề này tại TP HCM đang rất được quan tâm. Thực tế là trong thời gian vừa qua, tại TP HCM đã có những ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại các công trình xây dựng và không ít bệnh nhân chính là những công nhân trong các công trình này.
Giải quyết vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư và nhà thầu còn quan tâm chưa đúng mức sự tác động đến sức khỏe của cộng đồng và của chính người công nhân do công trình của mình gây ra.
UBND TP HCM đã có Chỉ thị số 14 vào ngày 11-8-2015, chỉ đạo nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, trong đó có việc áp dụng Nghị định 176 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó có lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Trong quá trình triển khai ở các địa phương, chúng cũng gặp những khó khăn do sự thiếu hợp tác của chủ đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, các địa phương cũng đã quyết tâm và quyết liệt thực hiện chủ trương của UBNDTP. Qua đó, hiện nay đã tiến hành xử phạt 6 trường hợp, trong đó có 4 công trình xây dựng (2 trường hợp ở quận Bình Thạnh và 2 trường hợp ở quận Tân Phú). Con số này tuy ít ỏi nhưng cho thấy sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật. Đồng thời, nó cũng góp phần cho các chủ đầu tư, các nhà thầu thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với sưc khỏe của cộng đồng trong quá trình thực hiện thi công các dự án của mình.
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chỉ thị của UBND TP, ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp khác, chính quyền các cấp sẽ đẩy mạnh việc chế tài những trường hợp vi phạm Nghị định 176, đặc biệt là các công trình xây dựng từ quy mô nhỏ đến lớn.
Qua đây, chúng tôi cũng kêu gọi các chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng, quan tâm hơn đến vấn đề này. Ngành y tế luôn sẵn sàng phối hợp và hướng dẫn để chúng ta có thể triển khai các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết mà hiện nay có mối quan hệ không nhỏ đến các công trình xây dựng.
Trần Thị Lâm An
10:37 ngày 07/10/2015
Người mới bị bệnh SXH dậy cần ăn uống như thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? Nếu phát hiện trễ thì có để lại di chứng gì sau bệnh không? Con tôi còn nhỏ có ảnh hưởng trí não của bé không?
Trẻ mới hết bệnh sốt xuất huyết cần ăn những thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như sữa, cháo, súp... Lưu ý vấn đề an toàn vệ sinh (ăn chín, uống chín). Sau vài ngày đến 1 tuần thì có thể ăn như bình thường trở lại, không cần kiêng cữ. Nếu phát hiện sốt xuất huyết trễ, đặc biệt là khi trẻ vào sốc thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi trẻ có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận... Thông thường, nếu được điều trị khỏi sẽ không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, nhóm sốt xuất huyết thể não thì có thể ảnh hưởng trí não trẻ nên cần theo dõi, tái khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh mỗi tháng, mỗi quý.
Quách Mai Thương
10:39 ngày 07/10/2015
Khi mắc sốt xuất huyết thì phải dùng những thuốc gì? Thuốc hạ sốt đối với trẻ em (bé gái của tôi năm nay 8 tuổi) có dùng được không, liều dùng tối đa là bao nhiêu? Nếu đã dùng với liều tối đa mà trẻ còn sốt thì còn các biện pháp nào để giải quyết không thưa bác sĩ?
Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, truyền bệnh qua muỗi vằn đốt, nên không có điều trị đặc hiệu, chỉ dùng thuốc hạ sốt và một số vitamin tăng sức đề kháng như vitamin C. Thuốc hạ sốt an toàn là Paracetamol, liều 10-15 mg/kg cân nặng mỗi lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu trẻ còn sốt. Liều tối đa trong ngày là 60 mg/kg.
Khi trẻ sốt cao, uống thuốc hạ sốt vẫn không hạ, chị có thể lau mát thêm cho cháu để giúp hạ nhiệt cơ thể. Dùng nước hơi ấm (dùng để tắm em bé) với 5 khăn nhỏ đắp ở hai bên bẹn, nách, khăn còn lại lau khắp mình. Ngưng lau mát khi nhiệt độ còn 38,5 độ.
Lê Thị Như Hoa
10:40 ngày 07/10/2015
Xin bác sĩ cho biết bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà sau khi đi khám bệnh viện tư mà bác sĩ nói sốt xuất huyết nhẹ được không ạ? Và nó có diễn biến gì bất ngờ có thể trở tay ko kịp nếu điều trị ở nhà không? Vì lý do bệnh viện quá tải nhiều nên tôi muốn cho con tôi ở nhà điều trị để dễ dàng chăm sóc và vệ sinh hơn. Cám ơn bác sĩ!
Bệnh sốt xuất huyết không biến chứng, đa số điều trị ngoại trú, tại nhà. Do đó, con chị có thể điều trị tại nhà theo toa thuốc và hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà của bác sĩ. Chị lưu ý các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Đó là khi trẻ sốt trên 2 ngày, có biểu hiện đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi... thì phải đưa ngay tới bệnh viện dù cho trong đêm, không chờ tới sáng. Các bệnh viện luôn có bác sĩ trực cấp cứu 24/24. Chị phải đưa trẻ đi tái khám mỗi ngày, thậm chí sáng - chiều theo yêu cầu của bác sĩ để phát hiện sớm các dấu hiệu nặng cũng như xét nghiệm máu để phát hiện sớm tình trạng cô đặc máu để được điều trị kịp thời. Hy vọng con chị sớm phục hồi sức khỏe mà không phải nhập viện.
Truc
10:48 ngày 07/10/2015
Xin bác sĩ cho biết đặc điểm sinh trưởng, hoạt động và cơ chế lan truyền bệnh của muỗi vằn cho mọi người ạ?
Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường sống trong nhà, gần người và vật dụng của người như quần áo. Muỗi cái hút máu người để sống và thường hoạt động vào ban ngày và lúc trời chạng vạng tối. Qua đó, chúng lây truyền bệnh sốt xuất huyết từ người mang mầm bệnh sang người khác. Muỗi chỉ đẻ trứng vào các dụng cụ và các hố nước sạch; không đẻ trứng vào cống rảnh có nước đen, hôi thối. Như đã trả lời ở một câu hỏi khác, thời gian để trứng muỗi nở thành lăng quăng và chuyển thành muỗi phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Môi trường càng nóng thì thời gian này càng rút ngắn.
Nguyễn Tiến Minh
10:54 ngày 07/10/2015
Hiện ở TP HCM có những khu vực nào đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết hiện nay và người dân phải làm gì để phòng tránh?
Hiện nay, tại TP HCM xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ xảy ra trên địa bàn khu phố, ấp ở 24 QH. Có 239 phường xã có từ 2 ca bệnh sốt xuất huyết trở lên trong thời gian 4 tuần. Do đó, có thể nói, mầm bệnh sốt xuất huyết hiện đang tồn tại trong cộng đồng dân cư. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh dịch lưu hành tại TP HCM trong nhiều năm qua.
Do đó, để chủ động phòng tránh bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nơi sinh sống và làm việc, đồng thời tích cực cphòng tránh muỗi đốt. Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề diệt lăng quăng đồng nghĩa với việc không để các vật dụng chứa nước, nhất là đồ phế thải, trong gia đình làm nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản và phát triển.
Nguyễn Thu Trang
10:55 ngày 07/10/2015
Tôi nghe nói bệnh sốt xuất huyết 60% là tự khỏi. Vậy bác sĩ cho lời khuyên ở nhà nên làm cụ thể những việc gì khi có con mình mắc bệnh này mà không đến bệnh viện.
Bệnh sốt xuất huyết phần lớn tự khỏi. Tuy nhiên nhất thiết phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để bác sĩ quyết định trẻ có được điều trị ngoại trú, tại nhà hay phải nhập viện. Trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết không biến chứng thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú, tại nhà. Chị phải làm những việc cụ thể như sau:
1. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa của bác sĩ
2. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường.
3. Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu (cháo, sữa, súp...), chia làm nhiều bữa nhỏ. Tránh thức ăn, thức uống màu đỏ, màu đen vì dễ nhầm lẫn với máu.
4. Chị phải đưa cháu tái khám mỗi ngày, thậm chí sáng - chiều theo yêu cầu của bác sĩ.
5. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời: sốt trên 2 ngày, có biểu hiện đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi... Phải đưa trẻ ngay tới bệnh viện dù cho trong đêm, không chờ tới sáng. Các bệnh viện luôn có bác sĩ trực cấp cứu 24/24.
6. Không được cạo gió, cắt lể vì sẽ gây chảy máu và nhiễm trùng.
Tran Kim Ha
11:04 ngày 07/10/2015
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho em hỏi hiện nay báo cáo dịch sốt xuất huyết có nên báo cáo ngoại trú không vì bây giờ bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết không đơn thuần là nặng (Theo tiêu chuẩn Bộ Y tế) mà vì bệnh nhân lo lắng nên xin nhập viện, do đó không có sự khác biệt nhiều giữa nội và ngoại trú. Nếu không báo cáo cả bệnh ngoại trú thì chúng ta có bỏ sót ổ dịch không? Mẫu báo cáo dịch hằng ngày hiện nay không có ngoại trú.
Theo quy định của Bộ Y tế, hiện nay báo cáo các bệnh truyền nhiễm theo quy định là các ca bệnh nhập viện. Chúng ta đều biết, các ca nhập viện có thể xem là phần nổi của tảng băng. Tuy nhiên qua đó, các ca bệnh nhập viện này được xem là các ca chỉ điểm để từ đó điều tra xác minh ca bệnh trong cộng đồng (có cả các trường hợp bệnh ngoại trú) để tiến hành khoanh vùng ổ dịch và xử lý theo quy định.
Bình luận (0)