Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm
Mới đây, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường kiểm soát, quản lý chặt an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm. Tại Hà Nội hiện có gần 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nước ngoài.
Theo Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỉ đồng. Ngoài ra, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỉ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.
Cùng đó, TP Hà Nội cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, TP Hà Nội đã lấy hơn 3.800 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỉ lệ 93,7%)...
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đã được các ngành, các quận, huyện, thị xã quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định còn thấp; các quy định của pháp luật chưa được triển khai thực hiện triệt để. Bên cạnh đó còn tồn tại một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ… Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng lo ngại theo thông lệ, vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
Truy suất nguồn gốc hàng hóa bằng mã vạch
Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và phát triển chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Theo đó yêu cầu Thanh tra Sở, thanh tra chuyên ngành các chi cục thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm tự công bố, tập trung vào cơ sở giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, cơ sở xếp loại C, cơ sở có mẫu giám sát bị vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm cơ sở có hoạt động cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm theo quy định. Duy trì và sử dụng hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, Thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thành phố cũng sẽ tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị…
Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội cũng khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh. Từ đó để người dân dễ dàng truy xuất và tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định.
Bình luận (0)