Tại buổi làm việc với 16 phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám có người Trung Quốc nhằm chấn chỉnh hoạt động do Thanh tra Sở Y tế TP HCM tổ chức sáng 14-3, một số vấn đề về y đức và chế tài, xử phạt đã được đặt ra.
Lỗ hổng chuyên môn, phiên dịch
Dù danh sách được Sở Y tế triệu tập là 16 phòng khám đa khoa tư nhân nhưng một số cơ sở vắng mặt. TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết ngành y tế không phân biệt đối xử giữa các phòng khám đang hoạt động trên địa bàn TP; tạo điều kiện cho tất cả các đơn vị hoạt động một cách công bằng, minh bạch, trách nhiệm với người bệnh. Việc triệu tập các phòng khám đa khoa có người Trung Quốc để chấn chỉnh là vì nhóm cơ sở này có nguy cơ vi phạm cao. Lâu nay, dù đã thanh kiểm tra, xử lý nhưng tái phạm liên tục, các phòng khám này hoặc không biết hoặc cố tình không biết.
Theo Sở Y tế, một trong những bất cập trong khám chữa bệnh tại các phòng khám có người Trung Quốc thời gian qua khiến người bệnh lãnh hậu quả là lỗ hổng ở khâu phiên dịch và người phụ trách chuyên môn. Theo quy định, đối với tất cả những người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế Việt Nam cấp, trong đó có cả người phiên dịch. Một bác sĩ Trung Quốc phải có riêng một thông dịch viên. Nếu đủ điều kiện, Bộ Y tế sẽ phê duyệt cấp chứng chỉ hành nghề cùng người phiên dịch; nếu thay thế người phiên dịch cũng phải xin phép. Thế nhưng trong thực tế, không có phòng khám nào thực hiện đúng yêu cầu này và tình trạng “vẽ bệnh” qua việc chỉ định, điều trị thủ thuật, phẫu thuật để móc túi người bệnh vẫn diễn ra. “Chưa kể, người phiên dịch dù tốt về ngôn ngữ nhưng không nắm gì về y khoa cũng khiến người bệnh lãnh đủ” - ông Trạng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Duy - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế - cho rằng vai trò của người phụ trách chuyên môn là rất quan trọng vì phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của phòng khám. Ngay cả những lần triệu tập, tập huấn, Sở Y tế yêu cầu phải là người phụ trách chuyên môn phòng khám đi dự nhưng không phòng khám nào thực hiện, chủ yếu là đại diện chủ đầu tư, vậy làm sao họ nắm được vấn đề.
“Bác sĩ phải tư vấn cho bệnh nhân các vấn đề liên quan có thể xảy ra trước phẫu thuật. Lúc này, cần vai trò của người phụ trách chuyên môn. Không thể chấp nhận chỉ một mình người bệnh trong phòng mổ rồi bác sĩ muốn làm gì thì làm. Nếu tai biến xảy ra là lỗi do phòng khám” - ông Duy nói.
Có bảo kê, bao che?
Tại buổi làm việc, các cơ quan truyền thông cũng đặt vấn đề: Vì sao những phòng khám có người Trung Quốc vi phạm nhiều năm nay nhưng không giải quyết dứt điểm, liệu có bao che, bảo kê? Đặc biệt, việc phòng khám có người Trung Quốc dùng kết quả cận lâm sàng của người bệnh này để “hù” người bệnh mới khi họ vừa đến khám là hiện tượng đáng lo ngại về y đức, Sở Y tế xử lý thế nào?
Ông Bùi Minh Trạng cho rằng thanh tra sở đang vừa hỗ trợ vừa xử lý tối đa; công khai hết những mặt trái, mặt phải để các đơn vị nắm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Những đơn vị cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. “Phạt tiền chỉ là một giải pháp và đến nay chưa phát hiện ai bao che, bảo kê các phòng khám có người Trung Quốc” - ông Trạng thông tin.
Ông Trạng cũng cho biết một số phòng khám có người Trung Quốc hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn dịch vụ kỹ thuật cấp phép và dù bị “nắn gân” nhưng vẫn lén lút sử dụng, rất khó kiểm soát nên phải chấn chỉnh ngay. Về việc các phòng khám thay tên đổi chủ sau khi bị xử lý vi phạm, tước giấy phép hoạt động, ông Trạng cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tất cả đều phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Bình luận (0)