Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh
Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 từ đầu tháng 10 đến nay liên tục có chiều hướng giảm. Trong 2 tuần qua, có một tuần số mắc mới trên 1.000 ca (từ 1.020-1.190), 7 ngày còn lại số mắc mới đều dưới 1.000 ca, thậm chí ngày 9-10 ghi nhận 371 ca, thấp nhất trong gần nửa năm qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.491.541 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.131 ca nhiễm).
Hầu hết bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong đều có bệnh nền
Dù số mắc giảm nhưng trong tuần vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19. Tại nhiều cơ sở y tế vẫn còn nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy xâm lấn.
Phân tích các ca mắc COVID-19 nặng và tử vong, một số bác sĩ cho biết hầu hết là bệnh nhân cao tuổi và những bệnh nhân cao tuổi này lại không được tiêm vắc-xin COVID-19. Bên cạnh đó, cũng có những người đã chích ngừa 2-3 mũi nhưng sau 6 tháng không tiêm nhắc lại. Lúc đó nồng độ kháng thể sau tiêm bắt đầu giảm, khi mắc COVID-19 rất dễ diễn tiến nặng.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho rằng miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù miễn dịch của COVID-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm. Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm. Một số người xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo.
"Với COVID-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2,3 và 4. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại"- PGS Phu nói.
Các chuyên gia cho rằng việc tiêm vắc-xin cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… "Có những người đã tiêm 2-3 mũi nhưng sau 6 tháng không tiêm nhắc lại. Lúc này nồng độ kháng thể giảm dần, khi mắc COVID-19 rất dễ diễn tiến nặng. Do đó, người dân nên tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại để tăng cường miễn dịch, đặc biệt là những người trên 60 tuổi có nhiều bệnh nền như: Tiểu đường, cao huyết áp, phổi mãn tính, bệnh thận, người nhiễm HIV và ung thư"- PGS Phu khuyến cáo.
Chưa ghi nhận biến thể phụ mới BA.5.1.7
Trước thông tin Trung Quốc đã ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron là BA.5.1.7, có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết vẫn đang giám sát ngẫu nhiên ca mắc Covid-19 tại Việt Nam nhưng đến nay chưa ghi nhận chủng biến thể này. Tại Việt Nam đang có 4 biến thể phụ của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.12.1 và BA.2.74) với khả năng lây lan nhanh hơn chủng gốc.
Theo các chuyên gia, hiện nay, Omicron vẫn là biến thể thống trị trên toàn thế giới, chiếm 99,2% các mẫu giải trình tự gen. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng con của nó tiếp tục chiếm ưu thế với sự gia tăng tỉ lệ trong số mẫu được giải trình tự gen trong tuần (chiếm 90%).
Xét nghiệm COVID-19
Mặc dù, tình hình dịch hiện tại đã có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vắc-xin để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại;
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc-xin; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Cũng theo PGS Phu, dịch COVID-19 sẽ chưa biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. Do vậy, hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc-xin COVID-19 và truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Cấp độ dịch COVID-19 mới nhất thế nào?
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết hiện cơ bản gần như cả nước đã là vùng xanh. Cụ thể, trong số trên 10.604 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 9.636 xã, phường (tương đương 90,9%) là vùng xanh, 830 xã, phường là vùng vàng (tương đương 7,9%); số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,2%, tương đương 138 xã phường. Con số này có sự điều chỉnh nhỏ so với trước đó 1 tuần. Hiện toàn quốc có 50 tỉnh thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp).
Bình luận (0)