Bác sĩ chuyên khoa I TRẦN HẠNH VY, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Biểu hiện của làn da cháy nắng mức độ nhẹ là da đỏ nhẹ; nặng hơn là da đỏ rực, sờ vào nóng. Da cháy nắng ở mức độ nghiêm trọng hơn là sưng, phù nề, nổi bóng nước. Da cháy nắng quá nặng có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Để sơ cứu tức thì một làn da bị cháy nắng, đầu tiên là phải hạ nhiệt bằng cách dùng khăn tắm lớn thấm đẫm nước để lau mát cho người bệnh và nhớ để nhẹ lên da chứ không chà xát. Có thể tắm trong bồn tắm hoặc dưới vòi sen; tránh xuống hồ bơi vì clo trong nước ở hồ bơi có thể làm kích ứng làn da đang bị cháy nắng. Ngoài ra, phải uống nhiều nước.
Để hồi phục da bị cháy nắng thì hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, thoa kem chống nắng, thoa dưỡng ẩm dịu nhẹ; đồng thời uống nhiều nước, ăn rau xanh, trái cây.
Bạn đọc PHẠM NGUYỄN TƯỜNG VI (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) hỏi: Con tôi 2 tuổi, tôi hay đưa cháu đi công viên chơi mỗi sáng. Mùa này nắng nóng khá gay gắt, tôi có thể dùng kem chống nắng cho bé?
TS-BS TRẦN NGUYÊN ÁNH TÚ, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP HCM, trả lời: Bỏng nắng nhiều lần khi còn nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ làn da của trẻ khỏi tác hại của tia cực tím. Trời nắng nóng nên giữ trẻ ở trong nhà hoặc nơi có bóng râm nhiều nhất có thể, nhất là các bé dưới 6 tháng tuổi. Khi ra ngoài có thể dùng dù, nón, trang phục dài để che chắn cho trẻ.
Cũng có thể bôi một lượng nhỏ kem chống nắng cho bé, chỉ số SPF ít nhất là 30 và chỉ chứa titanium dioxide, kẽm dioxide để hạn chế nguy cơ gây kích ứng da. Lưu ý, cần bôi lặp lại mỗi 2 giờ khi bé đi bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi.
Bình luận (0)