Do bán tạp hóa tại nhà, tiện trông coi nên chị không gửi con đi nhà trẻ mà để bé chơi loanh quanh trong nhà.
Một hôm, khi trông hàng như thường lệ, chị không nghe tiếng bi bô của con. Tưởng con ngủ, chị vào nhà định bồng lên giường thì thấy bé đã ngã và ngất lịm trong hòn non bộ ở sân sau. Hốt hoảng, chị vội ép mạnh bụng bé mong tống nước ra ngoài và hô hoán để mọi người giúp đỡ.
Sau khi được một người hàng xóm cố gắng ép tim, thổi ngạt, cháu bé bắt đầu tỉnh lại và gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Do bé ngã xuống nước đã vài phút, ngưng thở một thời gian và bị viêm phổi nên phải nằm viện suốt 2 tuần. Bác sĩ cho rằng bé bị viêm phổi là do người mẹ đã sai lầm khi ấn bụng, khiến dịch trong dạ dày trào ngược ra.
Tai nạn ngạt nước, đuối nước ở trẻ em thường tăng vào mùa hè. Không chỉ gặp nạn khi chơi đùa ở sông, suối, ao, hồ, nhiều trẻ cũng trở thành nạn nhân ngay tại nhà vì thích nghịch ngợm ở chỗ có nước. Đáng lo hơn, tai nạn ngạt nước, đuối nước nếu không được sơ cứu đúng và kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong hoặc bị di chứng ở não bộ.
Cảnh báo về dạng tai nạn này ở trẻ nhỏ, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, đã dẫn chứng khá nhiều trường hợp sơ cứu sai. Hy hữu nhất là vụ cháu bé té xuống nước, được vớt lên ngay nhưng nhập viện trong tình trạng nặng và phải… mổ sọ não. Lý do là người nhà sau khi đưa bé lên đã vác trên vai chạy lòng vòng, mong nước trào ra khỏi bụng. Động tác này không những vô tác dụng mà ngược lại, còn gây tổn thương nghiêm trọng khi người sơ cứu vô tình tuột tay.
“Một số bé được người nhà cố ép bụng cho ra nước trong khi đã ngưng thở vì ngạt nước. Động tác ép bụng là không cần thiết vì điều quan trọng lúc đó là phải làm cho trẻ thở lại trong thời gian đợi cấp cứu bằng cách ép tim, thổi ngạt. Đặt nạn nhân trên một mặt phẳng cứng khi sơ cứu. Với trẻ sơ sinh, dùng lực của 2 ngón cái để ép tim. Với trẻ lớn hơn một chút, có thể dùng lực của một bàn tay; trẻ gần trưởng thành thì dùng lực của cả hai tay. Khi thổi ngạt cần bịt mũi, để ngửa cổ nạn nhân. Theo tiêu chuẩn, nên ép tim 30 cái, thổi ngạt 2 cái và lặp lại cho đến khi nạn nhân tự thở và tim đập lại” - bác sĩ Phương cho biết.
Một cách sơ cứu truyền miệng phản khoa học nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp là trẻ đuối nước bị lăn vùng bụng, lưng trên một cái lu nóng. Người nhà cho rằng làm vậy “để hút nước ra” nhưng sự thật là chẳng có tác dụng gì vì trẻ không được ép tim, thổi ngạt kịp thời lại còn phải nhập viện trong tình trạng phỏng diện rộng. Khi đó, ca cấp cứu trở nên phức tạp do bác sĩ vừa phải cấp cứu đuối nước vừa phải cấp cứu phỏng!
Bình luận (0)