Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương, nắng nóng trên diện rộng có khả năng kéo dài đến ngày 27, 28-4 với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi nắng nóng gay gắt trên 39 độ. Nền nhiệt cao kéo dài làm đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tử vong khi chơi bóng giữa trời nắng
Vốn bị bệnh tim nên chị Nguyễn Mai An (45 tuổi) rất sợ những ngày quá nóng. Nhưng vì thương con gái sắp thi tốt nghiệp cấp 2 nên gần 2 tuần qua, trưa nào chị cũng về đón con rồi trở lại cơ quan. Dù đã trang bị áo chống nắng dày, đeo 2 lớp khẩu trang, cái nóng hầm hập phả vào mặt đến mức khó thở, nhiều lúc chị An muốn xỉu, không thiết ăn gì.
Nhu cầu giao hàng tận nơi trong những ngày này tăng lên đột biến, nhất là tầm buổi trưa và đầu giờ chiều vì ai cũng ngại ra đường. Do làm công việc giao hàng, anh Trần Văn Dũng (25 tuổi, quê Thanh Hóa) phải phơi mình giữa trưa. Thu nhập trong những này nắng nóng tăng hơn bình thường nhưng nhiều lúc anh chịu không nổi, mặt bỏng rát, mồ hôi đổ ra như tắm, lúc nào cũng khát nước. Cách đây ít ngày, một người bạn của anh sau khi giao hàng giữa trưa đã phải nhập viện vì sốc nhiệt, cảm nắng.
PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết BV đã tiếp nhận vài chục ca đột quỵ trong một ngày. Cách đây ít ngày, một bác sĩ trẻ của một BV tại Hà Nội đột ngột ngã ra sân rồi rơi vào hôn mê trong lúc đang chơi bóng đá giữa nắng nóng. Dù được cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong do phình mạch máu não. "Trận bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân nhưng đó có thể là yếu tố tạo thuận lợi trên nền bệnh có bất thường mạch máu não" - bác sĩ Chi nhận định.
Theo bác sĩ Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, nắng nóng khiến chế độ sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn, cơ thể khó chịu, căng thẳng... Nhiều người vẫn quan niệm mùa đông nguy cơ cao xảy ra các bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ hơn mùa hè nhưng thực tế, nắng nóng cũng làm tăng yếu tố nguy cơ mắc bệnh này ở người già và trẻ em. Ngoài ra, việc phải lao động dưới trời nóng như công nhân xây dựng, người phải di chuyển nhiều hoặc vận động với cường độ mạnh có nguy cơ gặp nguy hiểm. Khi môi trường có nhiệt độ cao hơn, cơ thể sẽ dễ xảy ra nhiều biến cố "sốc nhiệt", bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê.
Những người chạy xe thường xuyên dưới trời nắng nóng dễ bị sốc nhiệt, say nắng. Ảnh: QUANG NHẬT
Đừng để khát mới uống nước
Để chống chọi với thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý các gia đình nên thay đổi cách chế biến món ăn hằng ngày, trong đó tăng cường món canh để bổ sung nước.
Những nhà có trẻ nhỏ và người già nên ăn những món dễ tiêu hóa (cháo loãng, xúp) và chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Ngoài ra, ngồi dưới máy lạnh trong thời gian dài, nhất là nhân viên văn phòng, cũng là nguyên nhân khiến da bị khô, mất nước nên càng phải chú ý bổ sung nước. "Nước uống có thể là nước lọc, nước nhân trần, trà xanh, nước trái cây, nước khoáng bổ sung vi chất... Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ngay cả nước trái cây cũng không nên uống quá nhiều lần trong ngày vì sẽ dẫn đến tăng hàm lượng đường, không tốt với người mắc bệnh tiểu đường" - BS Hưng nói.
Với những người làm việc ngoài trời, thay vì uống nước lọc, có thể bổ sung các loại nước chứa muối và khoáng chất hoặc nước pha oresol. Nếu không có oresol, có thể chế bằng cách cho thêm vào nước trắng một chút đường và một chút muối (khoảng 5 g muối tinh và 20 g đường hòa tan cho 1 lít nước trắng) để bù nước và điện giải hiệu quả.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo trong những ngày nắng nóng, cơ thể cần bổ sung từ 2,5-3 lít nước/ngày. Đặc biệt, khi bị say nắng, say nóng, nạn nhân tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong.
"Hãy chủ động bù nước hằng ngày, đừng đợi khát mới uống cả cốc. Cần nhắc nhở người già, trẻ nhỏ uống nước thường xuyên sau 1-2 giờ. Nên hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước" - BS Hưng tư vấn.
Muốn kiểm tra cơ thể có đủ nước hay không, hãy kiểm tra độ đàn hồi của da bằng cách dùng 2 ngón tay nhéo phần da trên mu bàn tay hoặc da bên dưới xương đòn hoặc da trên bụng. Sau khi nhéo da vài giây và thả ngón tay ra, nếu da lập tức trở lại bình thường nghĩa là cơ thể có đủ nước. Nếu phần da bị nhéo phải mất một chút thời gian để trở lại bình thường thì có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu nước.
Bôi kem chống nắng, đội mũ rộng vành
BS Đặng Bích Diệp, BV Da liễu trung ương, cho biết phơi nắng khi tia cực tím (UV) xảy ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến lão hóa da sớm, ung thư da. Trong thời gian cao điểm (từ 10-16 giờ), nên sử dụng các biện pháp tránh nắng như đội mũ rộng vành, đeo kính, khẩu trang... Sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ. Khi để xe ngoài trời nắng nóng, các bạn nên che chắn cẩn thận bằng những tấm che để phủ lên yên xe, tránh gây bỏng, rát da khi ngồi lên.
Bình luận (0)