Không thể để người dùng thành nơi "tiếp tay" cho hàng lậu
Ước tính mỗi tháng cả nước có gần 300 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Cục QLTT Hà Nội đã phá vụ kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu với hơn 15.000 sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc. Những vụ việc này vẫn thường xuyên xảy ra, và không ai đảm bảo được việc sau khi bị xử phạt, chủ của kho hàng lậu kia lại không tái phạm. Nguyên do là nhu cầu của thị trường rất lớn, lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc lá lậu "khủng" (400-500%) mà mức phạt không đủ sức răn đe, chỉ ở mức phạt hành chính. Đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường nhấn mạnh rằng việc tăng cường các biện pháp quản lý, phòng chống việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan các sản phẩm này là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất, kịp thời của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.
Ông Ngô Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn lậu thuốc lá nói chung bao gồm thuốc lá thế hệ mới, cần có chính sách mạnh tay hơn đối với hành vi buôn lậu và tăng chế tài xử phạt.
Nhiều kho hàng thuốc lá điện tử lậu quy mô lớn bị bắt giữ trong thời gian vừa qua
Nhiều bộ ngành đã phản ánh nên tiến độ quản lý không thể kéo dài
Từ năm 2017, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứ xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng chính phủ (Nghị định số 106/2017/NĐ-CP phát hành vào tháng 9-2017).
Trong 4 năm qua, rất nhiều Ban, Bộ, Ngành và chuyên gia đã vào cuộc, nhiều hội thảo giữa các bộ ban ngành được diễn ra để thảo luận về việc quản lý sản phẩm này. Trong đó bao gồm các hội thảo về luật quản lý, kỹ thuật sản phẩm khác biệt như thế nào so với thuốc lá điếu đốt cháy, cũng như các hội thảo về tác động của sản phẩm lên các khía cạnh đời sống.
Kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới với nhiều kết quả tích cực của Chính phủ và các tổ chức Y tế công cộng ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, New Zealand…đã phân tích để có thêm cơ sở tham chiếu đáng tin cậy.
Tại tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tổ chức ở Hà Nội tháng 11-2020, đại diện đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) và một số chuyên gia khác nhất trí với việc cần có khung pháp lý phù hợp cho thuốc lá thế hệ mới để cơ quan chức năng không lúng túng trong việc thu giữ và xử lý các sản phẩm nhập lậu.
Các bộ ban ngành đều đã tích cực đầu tư thời gian, nguồn lực, trí tuệ để nghiên cứu, khảo sát, tổ chức lấy ý kiến chính thức trong việc phân tích bản chất của từng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và đánh giá các biện pháp quản lý phù hợp. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế đang bị chậm so với tiến độ của Chính phủ đề ra. Công văn số 8750 tháng 10-2020, Chính phủ lại một lần nữa giao cho các bộ ban ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào tháng 12-2020.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo quản lý thuốc lá thế hệ mới cho biết, Bộ đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Điều kiện cần và đủ trong việc quản lý thuốc lá thế hệ mới nay đã rõ. Nhưng thị trường chợ đen vẫn phát triển khó kiếm soát. Chính vì thế, cộng đồng có lý do để "sốt ruột" mong đợi một câu trả lời chính thức từ phía Chính phủ cho vấn đề đã bị kéo dài quá lâu này.
Bình luận (0)