xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sốt xuất huyết bùng phát trên cả nước

Ngọc Dung

Theo chu kỳ, hiện chưa đến thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết, nhưng số người mắc cũng như tử vong đều đã tăng. Thêm một yếu tố bất thường nữa là việc thay type virus gây SXH. Cảnh báo dịch sẽ bùng phát phức tạp

Trong hơn 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 10 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc đã tăng 10%. Đặc biệt, ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, số mắc đã tăng lên rất nhiều.

Những biến đổi bất thường

PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết theo chu kỳ dịch thì ở miền Bắc phải từ tháng 8 đến tháng 11, còn ở miền Nam thì từ tháng 6 đến 8 dịch SXH mới là đỉnh dịch. Năm nay chưa đến thời điểm đỉnh dịch nhưng số mắc cũng như tử vong đều đã tăng. Không riêng gì ở Việt Nam mà cùng thời điểm này ở các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore... số lượng mắc SXH cũng tăng cao. Đặc biệt, ở Indonesia đã có khoảng 60.000 – 70.000 ca mắc và khoảng 70 ca tử vong... Những diễn biến này cộng với dự báo về thời tiết năm nay có thể nóng nhiều, mưa nhiều là điều kiện tốt cho muỗi SXH phát triển nhanh.

Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2007 dịch SHX phát triển tương đối nặng. Ở miền Nam, bệnh SXH không còn phát triển theo mùa mà bệnh nhân SXH xuất hiện rải rác quanh năm. Nguyên nhân chính là ý thức phòng chống dịch của người dân còn thấp. Việc phát động phong trào diệt muỗi, lăng quăng được cấp tỉnh/huyện thực hiện khá đồng đều, nhưng xuống đến tuyến xã- phường thì kết quả còn mang tính chất đối phó. Trong khi đó, chưa có chế tài xử phạt khi người dân không thực hiện nghiêm những phòng ngừa liên quan đến chính sinh mạng mình.

Thêm một yếu tố bất thường nữa là việc thay đổi type virus gây SXH. Thông thường, type D2 là mầm bệnh chủ yếu còn type D1 rất thấp, nhưng trong 5 tháng vừa qua, phần lớn bệnh nhân SXH do type D1. PGS Phạm Ngọc Đính báo động đây là một trong những type có khả năng gây ra những triệu chứng của SXH tương đối nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn, vì thế người dân phải chú ý đề phòng.

Type mới, nguy hiểm!

Cũng theo PGS Đính, SXH là bệnh có miễn dịch nhưng đây là loại bệnh gây ra do nhiều type virus khác nhau D1, D2, D3, D4 nên có khả năng một người đã mắc rồi vẫn có thể mắc lại. Nếu bệnh nhân mắc lại type virus đã mắc trước đây thì mức độ bệnh rất nhẹ, có thể không gây ra những biến chứng nặng mà chỉ là những triệu chứng sốt thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều ca được ghi nhận đã mắc một lần rồi nhưng khi mắc lại lần hai thì bệnh khá nặng, gây sốc và có thể nguy hiểm hơn. Vì vậy, ông Đính đã khuyến cáo: “Đứng ở góc độ dự phòng bệnh, chúng tôi vẫn khuyên người dân vẫn đề phòng các trường hợp mắc lại”. Việc mắc lại tập trung ở tất cả các lứa tuổi nhưng thanh thiếu niên dưới 15 tuổi dễ mắc hơn vì hệ miễn dịch chưa ổn định.

PGS Đính cũng cho biết, trên thực tế type virus D1 gây bệnh SXH có từ nhiều năm trước nhưng đến những tháng đầu năm 2007 type này đã có sự trỗi dậy khá bất thường. Sự thay đổi này có thể dự báo cho sự bùng phát dịch phức tạp trong năm nay. PGS Đính dự đoán, từ kinh nghiệm của những đợt dịch trước và của quốc tế thì type virus D1 và D2 đều là những loại nguy hiểm. Chính sự biến đổi của chủng virus làm cho sức đề kháng của nhiều người chưa kịp thời thích ứng càng khiến bệnh diễn biến vô cùng phức tạp. Y học cũng chưa thể lý giải được tại sao type virus D lại gây bệnh SXH nặng hơn một số type khác.

20% có biểu hiện sốc

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết: Tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM, trường hợp SXH nhỏ tuổi nhất là 28 ngày tuổi. Không phải tất cả trường hợp SXH đều nặng. Nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 20% là có biểu hiện sốc. Trẻ sơ sinh bị SXH nặng được giải thích là trong 3 tháng cuối của thai kỳ, người mẹ bị nhiễm siêu vi Dengue, nên cơ thể tạo ra kháng thể và truyền qua nhau thai cho con. Trẻ sinh ra đã có sẵn kháng thể chống siêu vi Dengue. Tình trạng này giống như trẻ đã mắc bệnh một lần. Vì vậy, khi bị nhiễm bệnh dù chỉ là lần đầu tiên, nhưng phản ứng miễn dịch cũng mạnh mẽ như những trường hợp tái nhiễm, gây thất thoát huyết tương từ mạch máu vào các mô nhiều hơn, dẫn đến trụy mạch hay sốc. Vì vậy, đối với trẻ sơ sinh không nên để trong phòng tối và nên cho cháu ngủ trong mùng hoặc lồng lưới để tránh muỗi đốt. Khi cháu bị sốt thì phải mang đến BV ngay.

N.Phương

Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 quá tải

(NLĐ)- Đến 22 giờ ngày 17-6, bác sĩ Nguyễn Thị Quế Anh, trực chính Khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết đã có 151 cháu đang điều trị, 57 trường hợp SXH, sốt nặng độ 3; độ 4 là 11 trường hợp (hôm 16-7, khoa đã cho xuất viện 66 cháu). Phần lớn là bệnh nhi đến từ các tỉnh ĐBSCL. Rải rác các quận 3, 6, 8, Tân Bình và Bình Thạnh đều có các cháu mắc bệnh SXH. Trong hai ngày 16 và 17-6 đã có 60 cháu nhập viện.

Trước đó, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 đang phải điều trị mỗi ngày khoảng 30 - 32 trẻ SXH, bệnh nặng từ độ 3, độ 4, chủ yếu là ở những trẻ lớn 5 - 15 tuổi.

Từ đầu năm 2007 đến nay, mật độ muỗi và lăng quăng gây SXH tại một số khu vực thuộc ĐBSCL và TPHCM rất cao, dịch tăng mạnh với số ca tử vong cao hơn cùng kỳ 2006 khoảng 20%. Theo các nhà chuyên môn, mùa dịch SXH ở TPHCM năm nay xuất hiện chậm hơn các tỉnh ĐBSCL, nhưng khả năng xảy ra dịch là rất lớn.

N.H

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo