Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa cao điểm. Tại TP HCM, số ca mắc SXH tăng rất cao so với cùng kỳ, nhiều trường hợp tử vong.
Huyện Hóc Môn - "điểm đen" ổ dịch
Con đường số 6, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức lâu nay cứ vào mùa mưa là lầy lội với nhiều ao tù nước đọng. Với môi trường như vậy nên không lạ khi phường Hiệp Bình Phước là một trong những điểm nóng dịch bệnh, đặc biệt bệnh SXH của quận Thủ Đức.
Tuy nhiên, một trong những điểm nóng nhất của dịch bệnh SXH trên địa bàn TP là xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Địa bàn này có nhiều bãi đất trống biến thành bãi tập kết rác thải, nhiều tuyến đường nước ứ đọng do không có cống thoát nước, nhiều vật dụng chứa nước trong các hộ dân, tập quán trữ nước mưa... là điều kiện lý tưởng để lăng quăng, muỗi vằn sinh sôi phát triển. Hầu như năm nào địa bàn này cũng có ca tử vong do SXH. Mới nhất, tại đây đã có 2 ca tử vong do dịch SXH.
Tại huyện Hóc Môn có nhiều đoạn đường biến thành nơi tập kết rác thải, ứ đọng nước mưa, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch SXH Ảnh: NGUYỄN THẠNH
BS Ngô Hồng Việt Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, cho biết đến giữa tháng 8-2019, toàn huyện đã ghi nhận 2.260 trường hợp SXH, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong. Đáng báo động, ngoài phát sinh 180 ổ dịch SXH với 2 ổ dịch trong trường học, toàn huyện có hơn 930 điểm nguy cơ có thể phát sinh ổ dịch SXH trong thời gian tới.
Quá nhiều nguy cơ
Qua giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (CDC) ghi nhận đa số các quận - huyện, nhất là khu vực ngoại thành đều chưa kiểm soát tốt các điểm nguy cơ gây SXH, nhiều cơ sở kinh doanh vỏ xe, bồn nước cũ, vựa ve chai, các hộ chăn nuôi gà đá, hộ gia đình có vật chứa đựng nước, tạo điều kiện trứng muỗi nở thành lăng quăng và biến thành muỗi SXH.
Theo CDC, phòng chống dịch SXH là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở, bắt đầu từ những việc cụ thể như dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng chứa nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.
Tại huyện Hóc Môn, nói về nguyên nhân vì sao dịch SXH bùng phát tại đây, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện cho rằng do địa bàn rộng, có nhiều bãi đất trống tập kết rác thải, nhiều tuyến đường nước ứ đọng do không có cống thoát nước, tập quán trữ nước mưa. Ngoài ra, dân nhập cư đông (chiếm đến khoảng 45% dân số), chủ yếu là công nhân lao động, buôn bán nhỏ, ở trọ tại các khu nhà trọ và thường xuyên vắng nhà khiến việc tuyên truyền và xử lý dịch bệnh gặp khó khăn.
Ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tích cực chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng; đẩy mạnh việc xử phạt những trường hợp vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh SXH.
"Nguy cơ SXH có mặt ở mọi nhà, chỉ cần một lọ chứa nước bị bỏ quên hoặc một lu nước không được đậy kín… là có thể tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển thành muỗi và đốt người, lây truyền dịch SXH" - BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC, khuyến cáo.
Những sai lầm cần tránh
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu ý những sai lầm các bậc phụ huynh cần tránh khi chăm sóc trẻ SXH. Đầu tiên là lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol ngay cả khi mới sốt nhẹ sẽ làm tổn hại gan, chỉ khi nào sốt 38,5 độ C (đo ở lưỡi, nếu ở nách thì lấy mốc 39 độ C) trở lên thì mới dùng thuốc hạ sốt. Sai lầm tiếp theo là hạ sốt bằng ibuprofen, aspirin sẽ khiến bệnh nhân dễ bị xuất huyết tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, nếu áp dụng cạo gió, cắt lể thì sẽ tăng xuất huyết ngoài da, có thể dẫn đến nhiễm trùng da và thậm chí nhiễm trùng máu.
"Bệnh SXH đa số có thể điều trị ngoại trú (tại nhà), tuy nhiên phụ huynh vẫn cần đưa bé đi khám và trong quá trình theo dõi tại nhà phải chú ý các biểu hiện cho thấy bệnh trở nặng. Dấu hiệu ban đầu của SXH gồm có sốt cao đột ngột, mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn, đau nhức mình mẩy, đau quanh hốc mắt, có thể phát ban nhưng không đặc hiệu, da niêm xung huyết... Khi có những biểu hiện này, hãy đưa bé đi khám và BS sẽ quyết định bé cần điều trị nội trú hay ngoại trú" - TS-BS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)