Theo Viện Pasteur TP HCM, hiện nay số ca sốt xuất huyết (SXH) ở các tỉnh phía Nam chiếm 80% số mắc và 100% số tử vong của cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH ở khu vực này tăng 80% và tăng 82% ca tử vong so với giai đoạn 5 năm (2016-2020). Số ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay là 36 ca.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất ca bệnh
Trong 20 tỉnh, thành phía Nam có 11 tỉnh, thành có số ca mắc trên 100 ca/100.000 dân; 10 tỉnh, thành có bệnh nhân tử vong, nhiều nhất là TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh.
Trước tình hình SXH gia tăng, chiều 15-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống SXH trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, tính đến ngày 9-6, số ca mắc SXH tại thành phố tích lũy là 13.520 ca, tăng 87,6% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 24% so với số mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2015-2020 (10.902 ca).
Theo Sở Y tế TP HCM, đây là dịch bệnh lưu hành nhưng trong năm 2022, dịch bệnh có xu hướng tăng rõ rệt. Tính đến ngày 15-6, TP HCM có 9 ca tử vong do SXH, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6 ca so với trung bình giai đoạn 2015-2020. Ngành y tế thành phố đã triển khai các hoạt động phòng chống dịch SXH về dự phòng cũng như điều trị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp ngày 15-6. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao các hoạt động phòng chống dịch của ngành y tế thành phố, Viện Pasteur thành phố, Hội Y tế công cộng thành phố và các đơn vị liên quan đã tích cực, chủ động trong tham mưu và triển khai các biện pháp phòng, ngăn chặn và điều trị bệnh SXH. "Với tình hình hiện nay, nếu hoạt động phòng chống dịch của chúng ta không tăng cường hơn, với cấp độ cao hơn thì nguy cơ sẽ phải đối diện với vấn đề rất phức tạp, xấu trong thời gian tới" - Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý. Do đó, ông yêu cầu toàn hệ thống chính trị của TP HCM phải nhận thức ý thức về mức độ nguy cơ SXH năm nay diễn biến nhanh, xấu, phức tạp như thế nào để có trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết thành phố sẽ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng toàn thành phố vào ngày chủ nhật. Trong đó các tổ chức, các hội đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường hoạt động của mình, xem đây là trách nhiệm chính trị quan trọng, thường xuyên. Bí thư Thành ủy TP HCM cũng đề nghị ngành y tế vừa tham mưu vừa tập huấn lực lượng y tế từ y tế cơ sở, y tế cộng đồng, đến các bệnh viện, trạm y tế nhất là ở tuyến cuối. Ngành y tế hướng dẫn người dân khi mắc bệnh cần bình tĩnh kiểm tra, biết cách nhận biết dấu hiệu của bệnh, uống thuốc theo hướng dẫn và chuyển viện kịp thời khi uống thuốc không có dấu hiệu giảm bệnh.
Ông cũng yêu cầu phải bảo đảm thuốc dự phòng, trang thiết bị để kịp thời điều trị cho người dân khi cần thiết; tuyệt đối không để bệnh nhân tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cần thiết phục vụ công tác điều trị. "Dù thành phố có kinh nghiệm trong việc phòng chống bệnh SXH nhưng không được chủ quan; phải chủ động trước, ngăn chặn từ xa trước khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, hạn chế mức thấp nhất số ca bệnh ở giai đoạn cao điểm" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
An Giang: Số ca mắc tăng gần 400%
Trong khi đó, Bình Dương có khoảng 4.172 ca mắc SXH, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, trẻ em chiếm 44%, bệnh nặng chiếm 4,1% và có 8 ca tử vong.
Đáng báo động, ở An Giang bệnh SXH tăng đến 387% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Sở Y tế An Giang, tính đến hết tuần 23, An Giang có 4.457 ca mắc SXH, tập trung nhiều ở các huyện: Châu Phú (735 ca), Phú Tân (535), Tân Châu (396), An Phú (448), Tịnh Biên (387) và Thoại Sơn (383). May mắn đến nay, toàn tỉnh An Giang chưa ghi nhận ca tử vong.
Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết ngành y tế tỉnh này đang tập trung đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng, giám sát để phát hiện sớm ổ dịch và dập dịch nhanh.
"Dự báo đỉnh dịch SXH có thể rơi vào khoảng tháng 7, lúc đó có thể số ca mắc bệnh tăng nhanh từ 500 ca/tuần như hiện nay sang 1.000 ca/tuần vào đỉnh dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, ngay từ bây giờ chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế địa phương, sẵn sàng khống chế dịch ngay từ bây giờ bằng nhiều cách để dịch không thể bùng phát mạnh hơn nữa" - ông Hiền khẳng định.
Nhiều trẻ tử vong do nhập viện trễ
Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Khoa kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP HCM, cho biết năm 2022, tử vong do SXH ở trẻ em nhỉnh hơn người lớn, trong khi những năm trước người lớn luôn cao hơn so với trẻ em. Mọi năm, khu vực miền Tây Nam Bộ chiếm 10% số ca tử vong. Tuy nhiên, năm nay, dù mới 5 tháng đầu năm, số ca tử vong đã chiếm đến 25%.
Thời gian gần đây, các Bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn TP HCM điều trị nhiều trẻ mắc bệnh SXH, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết tại khoa đang có 11 ca SXH nặng phải lọc máu, thở máy, chọc dẫn lưu giải áp ổ bụng… "Những trường hợp nặng hầu hết là do trẻ nhập viện trễ. Thậm chí, có trường hợp vào viện không đo được mạch, dù đã cố gắng cứu chữa nhưng bệnh nhi cũng tử vong. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện có khoảng 5-6 ca tử vong, đa số các em từ bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh" - bác sĩ Việt cho hay.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị khoảng 30-40 trường hợp SXH, trong đó có 10% bệnh nhân nặng. Một số bệnh nhi bị sốc SXH nặng, suy đa tạng... cần truyền dịch, truyền các chế phẩm máu, hỗ trợ hô hấp. Thậm chí có trường hợp rất nặng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã cứu sống nhiều trẻ mắc SXH nặng. Tuy nhiên, đã có 3 trẻ tử vong do nhập viện trễ.
Thiếu "vũ khí" dập dịch
Phân tích nguyên nhân số ca mắc và tử vong do SXH tăng cao, TS-BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng sau dịch Covid-19, người dân các tỉnh phía Nam có tâm lý chủ quan, từng người dân chưa ý thức trong việc kiểm soát bọ gậy, lăng quăng. Dịch SXH ở các tỉnh phía Bắc thường từ tháng 8 đến tháng 11 nhưng miền Nam thì quanh năm vì thời tiết nóng, sáng nắng chiều mưa, đồ phế thải nhiều như: lốp xe, vỏ dừa, lu, khạp đựng nước... tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.
Ông Tâm cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân SXH ở phía Nam chuyển biến nặng, tử vong cao là do người dân khi mắc bệnh thường đến các phòng khám tư và chỉ đến bệnh viện khi trở nặng. Những trường hợp này việc điều trị khó khăn hơn và nhiều người không qua khỏi. Ngoài ra, người mắc SXH còn chủ quan, thường bỏ qua các dấu hiệu khi đã hết sốt nhưng không biết rằng sau giai đoạn hết sốt là rất nguy hiểm.
Một thực tế khác là hóa chất diệt muỗi, máy phun... ở nhiều địa phương đã cạn kiệt nhưng chưa được duyệt kinh phí để mua. Các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện thiếu dịch truyền do không mua được, thiếu nguồn cung (bệnh viện khu vực) dẫn đến thiếu phương tiện điều trị cho bệnh nhân. Chưa kể, sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc nên hiện phần lớn là người mới, chưa được tập huấn về công tác phòng chống SXH.
Bác sĩ Lương Chấn Quang đề nghị trước mắt cần thành lập các tổ xung kích SXH cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, huy động nhân dân cùng chung tay phòng chống SXH giống như chiến đấu với Covid-19; tạo thường quy cho nhân dân. Bộ Y tế chi viện khẩn cấp cho các địa phương đang thiếu hóa chất; lập các đoàn kiểm tra giám sát; phê duyệt, ban hành kế hoạch phòng chống SXH; mua sắm, cung ứng thuốc điều trị, hóa chất... Ngoài ra, ông Quang đề nghị Bộ Y tế cho phép thành lập Ban Chuyên môn kỹ thuật phòng chống SXH khu vực phía Nam.
Sở Y tế Bình Dương vừa có công văn khẩn về chấn chỉnh việc thu dung điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc SXH tại các cơ sở không đủ điều kiện. Theo đó, thời gian qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh, kể cả các phòng khám tư trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị (chủ yếu là truyền dịch) các trường hợp nghi ngờ mắc SXH dẫn đến tình trạng bệnh chuyển nặng.
Sở Y tế Bình Dương đề nghị đối với các phòng khám đa khoa tư nhân, các phòng khám chuyên khoa phải tuân thủ nghiêm việc tiếp nhận, khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SXH, cũng như tuyệt đối tuân thủ bù dịch theo hướng dẫn, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Ngoài ra, thường xuyên báo cáo hằng ngày về trung tâm y tế tại địa phương các trường hợp có chẩn đoán SXH khi đến khám tại cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời xử lý ổ dịch theo quy định. Đối với các phòng mạch, phòng khám chuyên khoa nội, chuyên khoa nhi không được giữ bệnh nhân nghi mắc SXH lại cơ sở để điều trị khi chưa đủ điều kiện.
Bình luận (0)