Đó là do áp lực công việc đã làm đảo lộn cả cơ thể và đau khi có kinh chỉ là một trong những triệu chứng của stress mà thôi.
Tại sao stress lại gây đau khi có kinh?
Chúng ta biết stress trải qua 3 giai đoạn. Khi bạn căng thẳng, lo lắng, tủy thượng thận sẽ tiết ra adrenalin và noradrenalin làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Vỏ thượng thận tăng tiết cortisol làm tăng hoạt động của tim, tăng đường huyết nhưng lại làm giảm miễn dịch (tức là giảm sức đề kháng của cơ thể). Giai đoạn đầu tiên được gọi là «báo động», nhiều bạn thấy rõ là mình hay hồi hộp, lo lắng.
Trong cơ thể chúng ta hệ thống nội tiết điều hành theo một trục từ vùng dưới đồi - tuyến yên - thượng thận. Thượng tầng có vấn đề thì không chỉ tuyến thượng thận mà tuyến giáp, tuyến sinh dục cũng chịu ảnh hưởng. Sau giai đoạn «báo động» là giai đoạn «chống đỡ». Bạn thấy mệt mỏi, khó ngủ, có kinh thì đau từ đầu, thắt lưng đến bụng nên đi khám tổng quát. Nếu không tìm ra bệnh thì bạn bắt đầu lo lắng «chắc là chưa tìm ra, mình bị bệnh nặng thế cơ mà».
Tâm lý lo lắng, sợ hãi trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Mỗi lần có kinh bạn thấy cường độ đau tăng lên. Kỳ kinh kế tiếp chưa tới, nỗi lo về «đau» đã được bạn dự báo «sẽ đau» và chắc chắn lần này đau hơn lần trước. Nếu không có sự hỗ trợ về mặt tâm lý, nếu không chủ động điều chỉnh công việc thì bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của stress. Lúc này các nhà chuyên môn gọi là «Stress bệnh lý». Bạn làm việc không tập trung, mất ngủ, bị sếp khiển trách bạn bối rối, cảm thấy mình như một kẻ vô dụng. Stress đã đánh gục bạn.
Nếu stress gây đau bụng kinh thì làm thế nào ?
Các tác giả nghiên cứu về stress đều thấy nó khuấy động cơ thể trên mọi bình diện và có thể tiến triển thành bệnh. Tuy nhiên nó lại là yếu tố không thể tránh được. Trong chuyên môn có một cụm từ rất hay là « đánh hay là chạy ». Thái độ tích cực nhất là « đánh » nó. Thủ phạm gây đau bụng kinh là prostaglandin. Nó không chỉ gây đau ở bụng dưới mà còn theo máu lên đầu gây đau đầu, đến cột sống gây đau lưng. Giải quyết nó bằng cách « đánh chặn » thì bạn dùng thuốc kháng viêm không steroid như diclofenac (biệt dược là Cataflam, Voltfast) là tốt nhất.
Còn giải quyết tận gốc stress ?
Bạn hãy tự làm bác sĩ cho bạn. Công việc nhiều bạn phải biết cách sắp xếp cho khoa học, làm theo trình tự nhất định bằng nguyên lý « chậm mà chắc ». Sau một giờ làm việc căng thẳng bạn bước ra khỏi phòng, vươn vai, tập thể dục chừng 15 phút hoặc đi bách bộ, có thể hát một bài mà mình ưa thích. Sau đó vào phòng, bộ não như được thổi vào một luồng sinh khí mới, bạn sẽ làm việc tốt hơn. Chiều đi làm về hãy đi bơi hoặc đi bộ. Tất cả các môn thể thao đều làm cơ thể tiết ra endorphin khiến bạn sảng khoái, yêu đời, mọi mệt mỏi tan biến. Nhờ vậy đêm đó bạn ngủ ngon, ngủ sâu hơn.
Có thực phẩm nào chống stress không ?
Có chứ. Những thực phẩm như rau, hoa quả tươi chứa nhiều vitamin A,C,E, những loại cá chứa Omega 3, Omega 6 đều góp phần quan trọng chống stress và tăng cường miễn dịch. Hết sức tránh dùng chất kích thích (trà, cà phê, rượu,bia) đặc biệt là buổi tối. Tuy nhiên nhiều bạn như bạn T trong thư cứ “ăn uống thất thường” gặp đâu ăn đó, cách này giống yếu tố thuận lợi cho stress tấn công bạn đấy.
Bình luận (0)