Đến khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, một trong những địa chỉ muỗi vằn Ades aegypti hoành hành nhất tỉnh Đồng Nai, GS-TS Nguyễn Thành Long đã đi thăm và làm việc tại 3 hộ dân. Tại đây, vị đại diện của Bộ Y tế đã có ngay câu trả lời từ các lọ hoa, bể nuôi cá và những vật dụng chứa nước đọng với đầy lăng quăng bên trong. Nhưng, điều khiến ông lo lắng hơn là nhiều người dân vẫn hồn nhiên nói rằng họ không hề biết những cái lọ, cái bể, cái lu, cái khạp… “nuôi” lăng quăng kia là nguyên nhân chính làm lây truyền và bùng phát SXH.
Có thể khái quát thành bức tranh chung từ một khu phố có muỗi và lăng quăng “khét tiếng” ở Đồng Nai. Sự thiếu hiểu biết điều sơ đẳng cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người đã đặt cộng đồng, xã hội trước những thách thức và nguy cơ mới của dịch bệnh. Hiện dịch SXH do virus Dengue đã lan ra 53 tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 30.000 người mắc bệnh và 18 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số trẻ em mắc SXH tăng lên gấp 3-4 lần so với thời điểm những tháng đầu năm, nhiều trường hợp bị biến chứng nặng. Bộ Y tế đánh giá dịch SXH năm nay tăng hơn cùng thời gian năm ngoái, có nguy cơ tiếp tục tăng cao và sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay, có lẽ không thừa khi nêu ở đây lời lưu ý của bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM: SXH là một bệnh gây tử vong rất nhanh, nhất là ở trẻ em do dễ bị biến chứng nặng, có thể tử vong do sốc trụy tim mạch và xuất huyết não. Triệu chứng của bệnh SXH dễ trùng lặp với những bệnh lý khác, nhất là nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm hô hấp trên… Tuy nhiên, SXH có một triệu chứng quan trọng là sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên. Lưu ý này cũng mang ý nghĩa một lời khuyên: Đừng chậm chân đến cơ sở y tế trước khi diễn tiến bệnh trở nên phức tạp.
Dịch SXH tăng mạnh và lan nhanh ngoài tác động khách quan như vấn đề khí hậu, môi trường, sự tăng dân số cơ học… còn có nguyên nhân nội tại là tình trạng yếu kém trong điều hành, quản lý; sự thờ ơ của người dân và hời hợt trong công tác truyền thông ở một số địa phương. Lúc này, cần biến khẩu hiệu “Người dân hãy cùng ngành y tế chống dịch” thành hành động thực tiễn đủ mạnh để tạo ra ý thức mới về phòng chống SXH trong cộng đồng.
Bình luận (0)