Dơ từ khâu vắt sữa đến khâu chế biến
Để tìm hiểu việc sản xuất, chế biến sữa tươi dạng thủ công thực hiện như thế nào, chúng tôi quyết định đi thực tế. Theo lời hẹn với người dẫn đường, 5 giờ 30 ngày 20-5, chúng tôi có mặt tại ấp Nông Đức, xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ Quốc lộ 1A, chạy vào một con đường đất đỏ khoảng 2 km, chúng tôi đến một hộ nuôi bò sữa. Trong chuồng lúc này có 2 con bò cái đang trong thời kỳ cho sữa. Sàn chuồng, phân bò vương vãi, ruồi xanh nhiều như ong vỡ tổ. Một thanh niên xách hai chiếc xô nhựa, bên ngoài xô còn bám đầy sình đất, lần lượt đặt dưới bụng 2 con bò để vắt sữa. Đôi tay trần vừa vắt, vừa gãi, miệng huyên thuyên đủ chuyện. Sữa bò sau khi vắt xong được đổ vào một can nhựa. Thấy trong can vẫn còn một ít sữa cũ chúng tôi hỏi: Sao không rửa can trước khi đổ sữa mới vào? Người thanh niên trả lời tỉnh bơ: “Ngày nào cũng vắt, rửa làm gì, sữa hôm qua chứ có gì mà sợ...”. Giá sữa tươi tại lò là 4.000 đồng/lít, mỗi ngày 2 lần giao cho các mối gom hàng chuyển về TPHCM để chế biến và tiêu thụ.
Tại một cơ sở chế biến sữa bò tươi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, chúng tôi được bà chủ nhà tiếp đãi niềm nở. Bà cho biết, mỗi ngày nấu và đóng chai khoảng 1.500 - 2.000 chai sữa thành phẩm và chở đi bỏ mối cho tiệm ăn, quán giải khát ở TPHCM. Nơi sản xuất là căn nhà bếp chật chội, ẩm thấp khoảng 2 m2 cũng là nơi nấu ăn cho cả gia đình. Trên sàn nhà (từ nhà bếp đến phòng khách) chai, nắp chất thành từng đống tràn cả lối đi. Vỏ chai nước ngọt Tribeco, Pepsi, Coca-Cola và các loại chai thủy tinh khác dùng đựng sữa còn dính đầy màng sữa, đáy chai bám đầy cặn lâu ngày nằm lăn lóc dưới nền nhà. Quan sát khu vực bếp chính, chúng tôi phát hiện 3 can sữa bò tươi (loại can 20 lít) chưa nấu đã bốc mùi chua do để ngoài không khí quá lâu. Chủ nhà giả lả: Do hồi khuya lấy hàng hơi nhiều mà mối đặt sữa ít quá nên còn dư chút đỉnh... để chiều nấu tiếp. Rồi chị nhanh nhảu tiếp thị: “Sữa lấy tại chuồng giá 4.000 đồng/lít, trung bình 20 lít nấu được khoảng 110 - 120 chai. Vỏ chai mua ở vựa ve chai từ 500 đồng - 800 đồng/cái, nắp chai các loại 2.000 đồng/kg, cộng tiền gas, đường, công nấu... bỏ mối 1.400 đồng/chai coi như lấy công làm lời”. Bà chủ cơ sở này cũng “tố”: Nhiều cơ sở sẵn sàng bán 900 đồng - 1.000 đồng/chai, giá rẻ vậy là sữa “dỏm”, nấu bậy bạ từ sữa “ế” mới có giá đó”.
Nguy cơ nhiễm bệnh cao
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Trưởng Khoa Nghiên cứu thực phẩm Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM: Theo đúng tiêu chuẩn thì từ khi vắt sữa cho đến lúc chế biến thành phẩm phải là một quá trình khép kín. Nếu không có đủ điều kiện thực hiện như vậy thì ít nhất sau khi lấy sữa xong, sữa phải được bảo quản ở nhiệt độ 4oC trong suốt quá trình lưu trữ cũng như vận chuyển. Tiến sĩ Minh Kiều phân tích: Sữa khi còn trong cơ thể bò sẽ có những thành phần tự miễn dịch nên không sợ hư. Tuy nhiên, khi sữa đã được vắt ra thì không còn khả năng “tự bảo vệ” nên rất dễ nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn từ môi trường vắt sữa... Các loại sữa tươi trước khi sử dụng phải được thanh tiệt trùng với nhiệt độ thấp nhất là 100oC.
Người uống loại sữa tươi không bảo đảm quy trình sản xuất có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Nhẹ thì bị tiêu chảy, nặng thì bị lao ruột, hay các bệnh lây qua đường tiết dịch, các bệnh về da. Bác sĩ Kiều đưa ra ví dụ: Khi một con bò bị bệnh lao ruột, vi trùng bệnh này sẽ theo dòng sữa ra ngoài. Nếu sữa không được nấu ở nhiệt độ an toàn (thấp nhất là 100oC), vi trùng sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể con người và sinh sôi. Bằng chứng là khi nghiên cứu về tiền căn của bệnh lao ruột, các chuyên gia về dinh dưỡng nhận thấy những bệnh nhân này đều có uống sữa tươi. Đó là chưa kể đến việc người vắt sữa có đeo găng tay hay không, hoặc người vắt sữa có những căn bệnh ngoài da như ghẻ, nấm... cũng là nguồn lây bệnh cho người uống sữa.
Các chuyên gia về dinh dưỡng đưa ra lời khuyên: người tiêu dùng nên hạn chế tối đa dùng loại sữa tươi chế biến dạng thủ công này. Vì theo họ, dinh dưỡng cũng có thể bổ sung qua nhiều thực phẩm khác, không nhất thiết phải dùng một loại sữa mà nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.
Đều nhiễm vi khuẩn Coliform Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh, Trưởng Khoa Vệ sinh An toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết: Từ năm 2002 đến năm 2004, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành điều tra chất lượng vệ sinh của các loại sữa tươi. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM được giao nhiệm vụ thu thập mẫu và xét nghiệm vi sinh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hầu hết các loại sữa tươi đóng chai không nhãn hiệu đều không đạt chất lượng về vi sinh. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, cho biết mỗi năm viện đều có chương trình khảo sát thức ăn đường phố dạng nước. Tiêu biểu như năm 2003, với 12 mẫu sữa tươi được xét nghiệm thì hầu hết các mẫu đều nhiễm vi khuẩn Coliform (loại vi khuẩn gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, kiết lỵ, thương hàn, nhiễm trùng... Nếu bị nhiễm nặng có thể gây tử vong). Trong đó, có 9 mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép (phổ biến vượt gấp 2 lần, có mẫu vượt gấp 12 lần). Nguyên nhân bị ô nhiễm phần lớn là do vi khuẩn từ môi trường vắt sữa gây nên. Theo bác sĩ Mai, sữa tươi có dinh dưỡng rất cao cũng chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nếu không được bảo quản tốt. |
Bình luận (0)