Thu nhập thấp, cuộc sống của nhiều công nhân (CN) thêm khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ.
Mất cân đối dinh dưỡng
Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm tại TPHCM xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.300 người mắc và hơn 10 người tử vong. Nguyên nhân là do suất ăn sẵn không bảo đảm vệ sinh từ nguồn nguyên liệu chế biến đến quy trình, vận chuyển, bảo quản, điều kiện vệ sinh của cơ sở cung cấp... |
Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm chưa qua chế biến còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề được các chuyên gia sức khỏe lo ngại. Kết quả thử nhanh nguồn thực phẩm đầu vào của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy có đến 20%-25% thực phẩm tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nguồn cung cấp thực phẩm chế biến sẵn lại sử dụng nhiều loại chất phụ gia, nhất là trong các bữa ăn sáng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo chất lượng khẩu phần ăn của CN hầu hết mất cân đối về dinh dưỡng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm khả năng lao động của CN.
Truyền thông về dinh dưỡng cho công nhân
Theo TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, nguyên nhân ngoài thu nhập thấp, CN còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng. CN lao động nặng, thường xuyên tăng ca, làm đêm, nếu không có chế độ ăn uống đủ chất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật, giảm sút sức lao động và chất lượng sống.
Các chuyên gia dinh dưỡng giải thích khi năng lượng từ khẩu phần ăn không đủ thì cơ thể phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình. Khi đó, khối cơ của người lao động bị bào mòn đi, lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng, nhất là đối với CN nữ ở lứa tuổi 18-25. Nguy hiểm hơn là đối với nữ mang thai, nếu suy dinh dưỡng dễ dẫn đến sinh non, thai nhi yếu, dị tật.
Trước khi có giải pháp mang tầm vĩ mô, trước mắt việc triển khai sáng kiến hữu ích góp phần nâng chất lượng thể trạng người lao động là yêu cầu cấp bách. Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã và đang phối hợp với LĐLĐ TPHCM, hội phụ nữ các quận, huyện tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông về dinh dưỡng dành cho CN tại các KCX - KCN. Bác sĩ Lê Kim Huệ, Trưởng Khoa Truyền thông của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, nói bữa ăn của CN hiện nay thừa chất bột, đường nhưng ít đạm, sử dụng thức ăn ở các chợ tạm nên dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Tại các buổi tuyên truyền, với hơn 10.000 CN tham gia, các chuyên gia hướng dẫn CN cách chọn lựa thực phẩm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh và phù hợp với túi tiền. Về lâu dài, chương trình sẽ tác động nhận thức của CN trong việc sử dụng dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
Nâng chất bữa ăn cho công nhân Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ là các đơn vị sử dụng lao động cần nâng giá trị bữa ăn cho người lao động so với mức hiện nay và bảo đảm an toàn thực phẩm suất ăn, phòng tránh các vụ ngộ độc lớn như đã xảy ra. TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, cho biết tới đây sẽ kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng ban hành quy định suất ăn tối thiểu, đủ năng lượng cho CN. |
Bình luận (0)