Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết 95% bệnh nhân suy tim điều trị tại bệnh viện đã ít nhất một lần nhập viện do các đợt suy tim cấp trước đó. Chỉ 5% bệnh nhân chủ động đi khám khi có những triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, yếu sức...
Hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch
Theo bác sĩ Tuấn, suy tim là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch; ví dụ hở van tim, hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim hay một bệnh tim bẩm sinh. Ngoài ra còn có một số bệnh lý có nguy cơ cao gây nên bệnh tim mạch như đái tháo đường, tăng huyết áp, thận mạn… nếu không được điều trị đúng sẽ dẫn đến suy tim.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), thăm khám bệnh nhân đang điều trị suy tim tại bệnh viện
"Suy tim là bệnh mạn tính có những đợt cấp dữ dội, nếu điều trị ổn, bệnh nhân hay lầm tưởng khỏi bệnh. Nhưng chỉ cần tái phát một cơn thì thời gian sống của bệnh nhân giảm đi, chức năng cơ tim xuống dần và dẫn đến tử vong. Do đó, nếu được phát hiện, điều trị sớm có thể giúp người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, thọ hơn" - bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn cho hay lâu nay cứ nghe nói ung thư là án tử với bệnh nhân nhưng suy tim có tử suất cao hơn một số bệnh ung thư. Cụ thể, đối với nữ giới hay gặp nhất là ung thư vú, thời gian sống 5 năm là 77,7% trong khi suy tim tỉ lệ sống sau 5 năm là 49%. Còn ở nam giới hay gặp là ung thư bàng quang và tuyến tiền liệt, thời gian sống sau 5 năm lần lượt là 57% và 68%. Trong khi suy tim ở đàn ông sau 5 năm chỉ có khoảng 55% sống sót.
Nhận thức đúng đắn về bệnh còn hạn chế
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh triệu chứng suy tim không dễ phân định. Chẳng hạn khó thở của suy tim nhiều khi chồng lấn sang bệnh lý phổi. Cảm giác mệt của bệnh nhân suy tim nhiều người ngỡ là mệt do tuổi già hoặc sức khỏe đi xuống. "Nếu xuất hiện triệu chứng như mệt, khó thở, phù chân… thì nên đến bác sĩ chuyên khoa về suy tim để được thăm khám, điều trị kịp thời. Bởi người bệnh suy tim có thể bị phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan, đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử. Nếu bệnh nhân suy tim được điều trị tốt không phải nhập viện thì thời gian sống dài hơn. Cứ một lần nhập viện thì sẽ giảm thời gian sống của người bệnh 2 năm rưỡi. Vì vậy, nhiệm vụ của bác sĩ là chặn quá trình tiến triển theo mức xấu để kéo dài thời gian sống của bệnh nhân" - bác sĩ Tuấn lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết có 2 nguyên nhân chính dẫn đến suy tim là bệnh van tim và bệnh mạch vành. Trong đó, hơn 90% bệnh nhân suy tim mắc bệnh mạch vành liên quan bệnh lý mạch máu như huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu… Đáng lưu ý, nhiều người bệnh chỉ tuân thủ thời gian điều trị ban đầu. Sau khi sức khỏe ổn định, họ lại có tâm lý chủ quan ngưng dùng thuốc, không tái khám định kỳ, thậm chí tự mua thuốc điều trị.
"Một số bệnh nhân chưa nhận thức được bệnh nên chỉ khi vào những cơn suy tim cấp mới biết bản thân mắc bệnh suy tim. Những sai lầm trong điều trị bệnh khiến bệnh diễn tiến nặng, phải nhập viện, suy gan, suy thận... tăng nguy cơ tử vong" - bác sĩ Vui cho hay.
Để ngăn ngừa suy tim cần điều trị các bệnh lý tim mạch sớm, đúng và đủ để ngăn ngừa diễn tiến suy tim. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân suy tim hiếm gặp là suy tim do các bệnh như cường giáp, Lupus ban đỏ… Bệnh nhân mắc các bệnh này không có triệu chứng nguy cơ tim mạch nhưng vẫn dẫn tới suy tim.
Theo các bác sĩ, để làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống, người bệnh suy tim cần tập luyện thể dục nhẹ nhàng, điều độ, không gắng sức, bỏ hút thuốc, không uống rượu bia, hạn chế thực phẩm chứa nhiều mỡ hoặc chất béo, tránh thừa cân. Đặc biệt nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, khám bệnh định kỳ.
Chủ động phòng ngừa
Theo GS-TS-BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim mạch TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, cần chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, không ăn quá mặn, hạn chế uống rượu bia, tăng cường rau xanh, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng... Bên cạnh đó, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để phát hiện sớm bệnh. Khi mắc bệnh hay các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, cần điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng tim mạch.
Bình luận (0)