Chiều 4-9, bác sĩ Trần Thanh Truyền (khoa Nội B, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết bệnh viện tiếp nhận hai trường hợp bị ve mò cắn đến nhiễm trùng huyết, bệnh nhân suýt tử vong vì nhập viện muộn.
Mò-trung gian truyền bệnh sốt mò. Ảnh: internet
Trường hợp thứ nhất là ông P.V.P (SN 1968, ngụ ở ấp Bình Thạnh, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Vào tháng 7-2014, trong một lần đi phát hoang bụi rậm tại vườn nhà, ông P. bị côn trùng đốt. Sau đó, ông P. về nhà lên cơn sốt mê man, nhập viện tại BV địa phương thì được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Khoảng 10 ngày sau, do thấy bệnh không thuyên giảm, ông P. trốn viện lên BV Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị.
Theo bác sĩ Truyền, khi nhập viện, ông P. có biểu hiện sốt cao, lạnh run, có vết loét do côn trùng đốt ở vùng trên xương mu, đã bị nhiễm độc. Tất cả các xét nghiệm của BV đều cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết rất nặng. Sau đó, ông P. được các bác sĩ tại đây cho dùng thuốc kháng sinh Doxycilline đặc hiệu. Hiện ông P. đã khỏe nhưng phải thường xuyên đến BV kiểm tra lại.
Trường hợp thứ hai là chị H.T.K.A (SN 1970, ngụ phường 8, thị xã Sóc Trăng), cũng bị ve mò cắn. Tưởng vết đốt thông thường, chị A. không quan tâm cho đến khi lên cơn sốt. Đi khám và điều trị tại địa phương, chị A. được chẩn đoán sốt siêu vi. Lúc vào BV Hoàn Mỹ Cửu Long, tinh thần chị đã ở trạng thái lơ mơ, mất tri giác, sốt cao và có vết côn trùng đốt mặt trong đùi phải.
Các bác sĩ đã phải gấp rút đưa chị A. vào điều trị ngay ở khoa hồi sức tích cực và chống độc, đồng thời sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu Doxycilline mới hạ cơn sốt.
Vết đốt mà chị H.T.K.A bị ve mò cắn ngay chân. Ảnh: BV Hoàn Mỹ Cửu Long
Sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia Orientia tsutsugamushi gây ra. Bệnh phân bố ở những nơi có nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông, suối, vùng đất ẩm. Bệnh thường phát triển vào mùa hè và mùa mưa, khi độ ẩm lên cao. Thông thường, ở ĐBSCL, bệnh phát triển từ tháng 4,5 và tháng 9,10.
Diễn biến của bệnh cũng khá phức tạp. Ban đầu, tại nơi mò đốt nổi lên nốt phồng nước. Thời gian này, chỉ trong vòng một ngày tính từ khi mò đốt, bệnh nhân không hề hay biết và không thấy đau, rát hay ngứa. Bệnh nhân chỉ đi điều trị khi bị sốt cao và bệnh đã vào giai đoạn toàn phát. Nốt phồng này sau đó sẽ trở thành vết loét.
Bác sĩ Truyền nhận định: “Trong vòng 2 năm trở lại đây, căn bệnh này bỗng dưng phát triển, có thể là do thời tiết thay đổi và môi trường thuận lợi. BV thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành như: Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng… Đa phần họ đến đây khi bệnh đã trở nên nguy kịch. Nguyên nhân là do bệnh nhân tự chữa ở nhà hoặc các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán sai, dẫn đến viêm, sốt kéo dài, gây nguy hại đến tính mạng.”
Để tránh bị ấu trùng mò đốt, bác sĩ Truyền khuyến cáo người dân cần tránh nằm trên bãi cỏ vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ, đeo găng tay, thắt chặt ống quần khi phát hoang xung quanh, phun thuốc diệt mò, diệt côn trùng.
Bình luận (0)