1.001 lý do
Thấy tôi có vẻ ngơ ngác về lý do đến trung tâm nha khoa thẩm mỹ của chị, chị Ngọc H. giải thích: “Bây giờ để có hàm răng theo ý muốn không còn là chuyện khó. Dịch vụ nha khoa có thể làm tốt bất cứ yêu cầu nào của khách hàng”. Nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc: “Chị muốn có răng khểnh để làm gì?”. Không ngại ngùng tôi là người mới quen, chị Ngọc H. bắt đầu trút bầu tâm sự. Chị kể một lần đi xem bói, thầy bói đã phán chị có cái miệng phá tướng vừa gây hao tài vừa là nguyên nhân của những đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Để cải số, bà thầy khuyên chị nên đi trồng thêm một cái răng khểnh, nếu không thì cuộc đời của chị sẽ không được hạnh phúc, gia đình của chị sẽ không bao giờ phát tài.
Không giống như chị Ngọc H., chị X.Đ (quận Tân Bình, TPHCM) trồng thêm răng khểnh để giữ chân người yêu vì người yêu của chị rất ái mộ cô ca sĩ H.N. Chị than thở: “Trong phòng anh ấy đâu đâu cũng là hình của H.N đang cười thật tươi”. Vì luôn nghe người yêu khen ca sĩ H.N có nụ cười tươi, chị X.Đ suy ra rằng người yêu của mình thích cô ca sĩ ấy vì cô ta có mấy chiếc răng khểnh.
Còn M.T bạn tôi, trồng răng khểnh không phải để cải số hay để giữ chân người yêu. Cô ấy đã từng có hàm răng trắng đều rất đẹp nhưng chỉ tội hơi móm và M.T đã nảy ra ý định cứu vãn tình hình bằng cách trồng thêm một cái răng khểnh. Khi mới gắn thêm chiếc “răng duyên”, M.T khoe rằng ai cũng khen cô ấy trông xinh hẳn ra.
Tiền mất tật mang
Muốn trồng được một cái răng khểnh thì hai chiếc răng hai bên phải bị mài cho nhỏ đi để tạo ra một kẽ hở cho răng khểnh chen vào. Khi men răng và ngà răng bị phá hủy, bề mặt răng không còn nguyên vẹn, bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy ê buốt. Chi phí cho mỗi chiếc răng khểnh là 1.200.000 - 1.500.000 đồng. Vì muốn cải số, chị Ngọc H. đã không tiếc tiền để lắp thêm răng khểnh. Quả thật là chị có cái miệng gây “hao tài”(!) Chưa kể chị phải bỏ công ăn việc làm để tới lui trung tâm nha khoa nhiều lần mới có được chiếc răng “cải số”.
Còn chị X.Đ hiện nay cũng đang khổ sở về chiếc răng thứ ba mươi ba của mình vì những biến chứng của nó. Dù chị vệ sinh răng miệng kỹ, thức ăn vẫn còn bám ở kẽ răng khểnh và các răng lân cận làm chị bị viêm nướu và sâu răng. Việc ăn uống của chị cũng khó khăn hơn vì phải để thức ăn làm sao đừng bị dính vào kẽ nhóm răng khểnh. Cả tháng nay chị cũng phải bỏ công việc vì bị chiếc răng thứ ba mươi ba hành. Chị X.Đ trồng răng khểnh để giữ người yêu đâu không thấy, chỉ thấy người yêu của chị chạy dài vì hơi thở của chị càng ngày càng gây khó chịu cho những người xung quanh.
Riêng M.T khi mới trồng thêm chiếc “răng duyên” đã cảm thấy khó chịu vì vùng răng chỗ mới gắn thêm răng khểnh luôn bị đau nhức. Thế nhưng cô vẫn cố gắng chịu đựng vì “được tiếp sức” bởi lời khen của mọi người. Dù vậy, những lời khen vẫn không làm giảm được những cơn đau do chiếc răng thứ ba mươi ba hành. Và chẳng bao lâu M.T quyết định phải tháo chiếc răng giả này ra vì không còn đủ sức chịu đựng nổi. M.T tự đặt tên cho cái răng khểnh giả của mình là “răng dại” vì cô không những tốn tiền trồng răng, chịu những cơn đau mà còn tốn tiền để tháo ra bỏ. Dĩ nhiên, dù chiếc “răng dại” đã được tháo ra thì M.T cũng không còn hàm răng đều đẹp như xưa nữa vì chỗ chiếc răng khểnh giờ là một kẽ hở. Và cô lại sẽ phải tốn tiền để trám kẽ hở ấy.
Những quan niệm mới về nụ cười răng khểnh
Bác sĩ Trần Ngọc Anh, Trưởng khoa Điều trị thẩm mỹ Trung tâm Răng Hàm Mặt TPHCM, cho biết vì tủy răng không còn lớp men và ngà bảo vệ nên những chiếc răng bị mài mòn là môi trường thuận lợi cho bệnh sâu răng. Để lắp thêm một cái răng khểnh mà phải mài mòn men và ngà của hai cái răng bên cạnh thì thật là sai lầm, vì theo bác sĩ Ngọc Anh, không gì thay thế được lớp men và ngà thật của răng. Còn theo giáo sư Lâm Ngọc Ấn, Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt TPHCM, răng khểnh vốn là răng thừa, vì thế một chiếc răng khểnh giả sẽ khó có điểm tựa chắc chắn trên hàm răng. Chưa kể khi gắn thêm một chiếc răng khểnh thì sức nhai sẽ giảm và khi răng không được ép kỹ vào lợi sẽ làm viêm nướu và dây chằng.
Trao đổi về việc lắp thêm răng khểnh vào hàm theo ý muốn, giáo sư Lâm Ngọc Ấn cũng cho biết trên thế giới, đặc biệt là những nước tiên tiến, người ta phải điều chỉnh một chiếc răng mọc lệch cho ngay khi vừa mới phát hiện. Bởi lẽ các nha sĩ quan niệm một hàm răng đầy đủ với những chiếc răng có hình dáng bình thường, khớp cắn đúng, khớp nhai đúng mới là một hàm răng lý tưởng.
Bình luận (0)