Hễ buồn thì khó tránh bực bội. Mà đã bực sớm muộn cũng buồn. Hơn thế nữa, buồn bực dường như bao giờ cũng đồng hành với tình trạng 3 biếng: biếng ăn, biếng ngủ và biếng luôn cả chuyện phòng the. Thêm vào đó là đòn đánh bồi từ mặc cảm tâm lý của trạng thái trầm uất, khiến nạn nhân kẻ thì tự hành hạ với “bản án ngã ngựa”, người thì trăn trở với cảm xúc “phạm tội” nào đó hay quan điểm “hết thời”.
Nước lã không thể khuấy nên hồ. Phải có lý do nào đó khiến tình trạng buồn bã càng lúc càng chiếm thế thượng phong. Nếu chỉ xét về mặt nội tiết tố, vì còn nhiều yếu tố khác, thường là do cơ thể không tập trung đủ lượng serotonin và endorphin làm tiền đề cho trạng thái thoải mái, lạc quan, yêu người, yêu mình.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trầm cảm sở dĩ thành hình ở người này nhanh hơn, dễ hơn ở người kia là vì cơ thể thiếu hụt một số tác chất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh, đó là:
- Acid folic: Nếu tưởng sinh tố này chỉ cần cho thai phụ thì đáng tiếc. Nhờ có acid folic mà serotonin được tổng hợp để bắt trớn cho giấc ngủ yên bình.
Nhờ không thiếu acid folic nên máu giữ được độ loãng cần thiết. Máu nhờ đó được đưa lên não dễ dàng để cung cấp dưỡng khí cho hệ thần kinh trung ương. Khỏi nói dông dài cũng hiểu thiếu dưỡng khí trong tế bào não là đòn bẩy cho đủ kiểu rối loạn chức năng tư duy. Nói cách khác, acid folic là nhân tố gián tiếp dẫn đến cảm giác lạc quan khi thức dậy.
- Nội tiết tố giới tính mà quan trọng nhất là estrogen: Đây chính là lời giải thích hợp lý cho câu hỏi tại sao trầm uất thường xuất hiện trong hội chứng mãn kinh. Đó cũng chính là lý do tại sao thầy thuốc nên ứng dụng hoạt chất trong dược thảo có công năng điều hòa nội tiết tố trong phác đồ điều trị trầm cảm, thay vì chỉ cho thuốc an thần theo kiểu ngủ mê ngủ mệt để nạn nhân muốn cũng không thể buồn.
- Sinh tố B6: Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong hai thập niên gần đây, hiện không còn ai nghi ngờ về khả năng đa dạng của sinh tố này bên cạnh tác dụng giảm đau và ảnh hưởng trên nhiều loại phản ứng biến dưỡng. Với nhiều nhà điều trị, B6 là nhân tố không thể thiếu trên toa thuốc kể từ khi người ta phát hiện hàm lượng chất này rất thấp trong máu của nhiều người trầm uất.
Không lẽ khi không bỗng thiếu? Chắc là phải tiêu nhiều, phải xài không đủ mới ra cớ sự như thế. Đó là lý do tại sao không ít doanh nhân, nghệ nhân đang thành đạt bỗng tự dưng... chán đời!
Biết là các tác chất kể trên không hẳn là điều kiện ắt có và đủ để thành nguyên nhân của bệnh trầm cảm. Nhưng lưu ý bổ sung hay điều chỉnh các thành phần nêu trên càng sớm càng tốt chắc chắn là điều nên làm không chỉ để tránh bệnh buồn bực đến bỏ bê tất cả mà còn để ngăn chặn nhiều bệnh chứng khác cũng không kém phần nghiêm trọng, như thiếu máu do thiếu acid folic, hội chứng mãn kinh vì thiếu hụt estrogen, viêm thần kinh ngoại biên do không đủ B6 ...
Một công nhiều việc, tại sao không làm?
Bình luận (0)