Tai nạn gần 19 năm trước không chỉ khiến nạn nhân mất dương vật và hai tinh hoàn mà còn phải sống trong sự mặc cảm, thậm chí có phần nữ tính.
Ngày 25-12, PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội, cho biết vì bệnh nhân mất hoàn toàn dương vật nên kíp phẫu thuật đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu tích (phẫu thuật dưới kính hiển vi) để làm mỏng vạt da vùng đùi trái, đồng thời tạo hình và nối với gốc dương vật của bệnh nhân mà vẫn giữ nguyên được mạch máu của vạt da này.
Ca mổ tái tạo dương vật cho bệnh nhân N.V.T. Ảnh do bác sĩ cung cấp
Sau hơn 6 giờ, “cậu nhỏ” đã được tạo hình thành công. So với phương pháp phẫu thuật truyền thống thì phương pháp này bớt rủi ro vì mạch máu không bị cắt và nối lại, nhờ đó thời gian phẫu thuật cũng rút ngắn hơn.
Theo TS Sơn, dương vật được tạo hình gồm cả thân dương vật, quy đầu, niệu đạo. Sau khi dương vật “sống”, các bác sĩ sẽ sử dụng loại chất liệu đặc biệt để tạo độ cương cứng, tránh rơi vào tình trạng cứng liên tục như sử dụng sụn sườn tự thân hoặc nhân tạo trước đây.
Dương vật mới được tạo ra cũng bảo đảm chức năng tiểu tiện và sinh dục. Đặc biệt, khả năng sinh hoạt tình dục trở gần lại bình thường, có độ hưng phấn, cảm giác tương đối thật.
T. là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam áp dụng kỹ thuật kỹ thuật vi phẫu tích tạo hình dương vật. Sau gần một tuần phẫu thuật, phần cơ thể mới của bệnh nhân đang tiến triển tốt.
Tuy nhiên, do T. bị mất tinh hoàn nên sẽ phải lắp tinh hoàn giả để bộ phận sinh dục trông được tự nhiên. Khoảng một năm sau phẫu thuật, các chức năng của phần “cậu nhỏ” mới sẽ hoạt động bình thường.
Bình luận (0)