Thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) từng là tâm dịch của Bắc Giang với hơn 1.700 ca mắc Covid-19. Ông Hoàng Công Huy, Trưởng thôn Núi Hiểu, nhớ lại rằng dịch đến bất ngờ và diễn biến phức tạp khiến mọi người hoang mang. Núi Hiểu chỉ khoảng 1.000 dân nhưng có hơn 10.000 công nhân nơi khác đến thuê trọ nên việc phong tỏa để dập dịch là không dễ. Đúng lúc đó, tổ Covid cộng đồng ra đời để phòng chống dịch. Ban đầu, tổ gồm các cán bộ thôn, sau mở rộng có thêm thanh niên tình nguyện và chủ nhà trọ uy tín, số lượng hàng chục người.
Hình ảnh Bắc Giang trong những ngày chống dịch Ảnh: Đông Giang
Căng thẳng nhưng tình thương yêu nảy nở trong hoàn cảnh khó khăn. "Gần 70.000 công nhân được các tổ Covid cộng đồng hỗ trợ hàng quà thiết yếu đến tận phòng trọ trong hơn 30 ngày phong tỏa, trong đó nhiều công nhân mang thai, nuôi con nhỏ" - ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Các đoàn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện khắp cả nước đã về tâm dịch Bắc Giang. Nhờ nhiều giải pháp mà Bắc Giang khống chế được cao điểm của dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương - cho biết thời điểm dịch bùng phát, tỉnh đứng trước tình thế vô cùng khó khăn vì chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN. Nếu quyết định vội vàng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. "Vấn đề phải cân nhắc rất nhiều khi đó là có đóng cửa KCN không? Có ý kiến cho rằng phải đóng cửa ngay và giải tán công nhân; có ý kiến lo rằng nếu giải tán công nhân để họ trở về các nơi, dịch lan rộng ra các địa phương thì Bắc Giang khó tránh trách nhiệm làm lây lan dịch" - ông Dương kể.
"Bắc Giang vì cả nước" là cách được chọn để sau đó "cả nước vì Bắc Giang". Được sự quan tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ của ngành y tế, sau khi xét nghiệm xong cho toàn bộ công nhân, tỉnh lập tức tạm phong tỏa 4 KCN. "Nửa năm nhận nhiệm vụ chủ tịch UBND tỉnh, quyết định cân não nhất với tôi là thời điểm đặt bút ký tạm phong tỏa 4 KCN, giữ công nhân các nơi ở lại Bắc Giang" - ông Dương nói và nhớ rất rõ lúc đó là tối 17-5.
Lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc giữ 67.000 công nhân các địa phương ở lại Bắc Giang, áp lực rất lớn. Tỉnh phải nhanh chóng giúp công nhân yên tâm ở lại trong các khu phong tỏa bằng việc chăm lo an sinh, bảo đảm nhu yếu phẩm. Tỉnh lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ công nhân tháo gỡ vướng mắc, đồng thời báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam để có chính sách hỗ trợ ban đầu.
Ngay khi dịch được kiểm soát, tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất theo 2 giai đoạn có dịch và khi dịch đã bớt căng thẳng. Nhờ vậy, kinh tế hồi phục nhanh. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, tạo sự phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp (DN). Nhiều dự án lớn tiếp tục được đầu tư trên địa bàn.
Tính đến tháng 11-2021, Bắc Giang thu hút được hơn 1 tỉ USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 94,8% so cùng kỳ năm 2020. Nổi bật là cấp mới 19 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 624 triệu USD, gấp hơn 2 lần so cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký tăng hơn 156 tỉ đồng; 38 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung trên 346 triệu USD. Riêng thu hút đầu tư FDI trong 10 tháng của năm, Bắc Giang đứng thứ 10 cả nước. Các dự án FDI quy mô tập trung ở sản xuất công nghiệp (linh kiện điện tử), vốn đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD.
Đạt được thành công này là do tỉnh có nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Trong đó có việc Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đối thoại với DN, tạo niềm tin cho nhiều tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh. Tỉnh xác định thu hút đầu tư theo 3 trục: Công nghiệp là động lực quan trọng, nông nghiệp là giá đỡ, dịch vụ để gia tăng giá trị.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, cho biết trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, tỉnh đã đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, kết nối, mời gọi qua hình thức trực tuyến; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để Bắc Giang hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định tỉnh luôn lấy sự phát triển của DN, doanh nhân là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định pháp luật, cơ chế - chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, công khai, minh bạch; thúc đẩy chuyển đổi số; đổi mới mạnh mẽ về tư duy "cho phép", "cấp phép" sang "phục vụ" DN, người dân… để mang đến cho DN, nhà đầu tư những dịch vụ, tiện ích tốt nhất.
Với những thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Chủ tịch nước cho rằng mô hình chống dịch của Bắc Giang đem lại những kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)